Có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông vào ngày 29-30/4

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo khoảng ngày 29-30/4, vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (xác suất mạnh lên áp thấp nhiệt đới khoảng 50-60%).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 13 giờ trưa nay (29/4), vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 8,0-9,0 độ Vĩ Bắc; 107,5-108,5 độ Kinh Đông. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu về phía Tây.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nên từ ngày 29/4 đến ngày 30/4, ở vùng biển từ Phú Yên đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8; sóng biển cao từ 1,5-2,5m. 

Công điện chỉ đạo ứng phó áp thấp trên Biển Đông - Ảnh 1.

Chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm.

* Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có nhận định về một số thiên tai có khả năng xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/3 và 1/5.

Từ đêm 30/4 ngày 01/5, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, gió trên Vịnh Bắc Bộ, Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-3,0m; biển động mạnh.

Ngày 29-30/4 có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Ngày 28/4, một vùng áp thấp di chuyển từ miền Trung Philippines và đi vào vùng biển Đông Nam Biển Đông.

Dự báo khoảng ngày 29-30/4, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (xác suất mạnh lên áp thấp nhiệt đới khoảng 50-60%).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp (có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới), khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có mưa rào và dông, trong mưa dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.

Dự báo về xu thế mưa: Từ đêm 30/4-01/5, ở khu vực Bắc Bộ và từ ngày 01-02/5, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông.

Từ ngày 29/4-03/5: Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa dông trên diện rộng, cục bộ có mưa to đến rất to và dông. Trong giai đoạn chuyển mùa, với nền nhiệt độ cao mưa dông xảy ra thường kèm theo các hiện thượng thời tiết rất nguy hiểm như: Lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật bổ sung khi tình hình thiên tai có thay đổi.

Thông tin về thời tiết và thiên tai nghỉ lễ 30/4-01/5 sẽ được cập nhật hàng ngày trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (www.nchmf.gov.vn).

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh thêm

Ngày 28/4, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 03/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau, Kiên Giang.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo dõi sát diễn biến của vùng áp thấp để triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Công điện chỉ đạo ứng phó áp thấp trên Biển Đông - Ảnh 3.

Phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai.

Sẵn sàng phương án huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các Trung đoàn Cảnh sát cơ động giúp nhân dân thu hoạch nông sản, hoa màu, thủy sản...

Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân. 

Kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).

Theo dõi chặt chẽ thông tin về vùng áp thấp trên Biển Đông

Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 233 đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm và thời tiết nguy hiểm trên biển, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh thêm; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện.

Tác giả: Nguyễn Phượng
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51