Cần chính sách phù hợp đẩy mạnh khai thác năng lượng điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam
Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng.
Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhưng hiện còn chưa được khai thác hiệu quả và tương xứng. Với bờ biển trải dài hơn 3.200 km và mật độ nắng trung bình khá cao tại nhiều tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam, tổng tiềm năng điện gió trên bờ khá lớn, đạt khoảng 221.000 MW, tiềm năng điện gió ngoài khơi đạt khoảng 600.000 MW và tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời đạt khoảng 963.000 MW (bao gồm điện mặt trời mặt đất khoảng 837.000 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW).
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng mạnh mẽ về năng lượng tái tạo |
Trong khoảng 10 năm qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới việc khai thác các nguồn năng lượng sạch này để từng bước nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sử dụng nhiều năng lượng tái tạo.
Với việc ban hành các chính sách quan trọng, khuyến khích phát triển điện mặt trời và điện gió, Việt Nam đã đạt được những thành tích, bước đi đáng kể trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Trong khoảng 4 năm, từ 2018 tới năm 2021, công suất các các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, điện mặt trời trang trại, điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối) đã tăng từ 654 MW lên tới 21.014 MW (tăng khoảng 32 lần). Đặc biệt, các dự án điện mặt trời tăng từ khoảng 86 MW lên tới gần 9.000 MW, điện gió tăng từ 243 MW lên tới gần 4.200 MW và điện mặt trời mái nhà tăng từ 0 MW lên tới khoảng gần 7.700 MW.
Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời với quy mô lớn đã được triển khai tại Việt Nam |
Hiện nay, tổng quy mô công suất các nguồn năng lượng tái tạo đang vận hành đạt khoảng 22.000 MW với 256 dự án và các hệ thống điện mặt trời mái nhà, chiếm khoảng 27,5% tổng công suất đặt hệ thống điện, đưa Việt Nam trở thành một trong các nước có tốc độ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhanh nhất trong khu vực.
Nhìn lại quá trình phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua, có thể thấy các nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời có sự phát triển bùng nổ trong thời gian ngắn nhưng lại tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có tiềm năng nắng và gió rất tốt.
Theo thống kê 100% các dự án điện gió với tổng công suất 5.100 MW tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam (miền Trung có 53 dự án với tổng công suất 2.523 MW, miền Nam có 43 dự án với tổng công suất 2.535 MW).
Khoảng 97,93% số dự án điện mặt trời tập trung với tổng quy mô công suất đạt 8.908 MW tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam (miền Trung có 96 dự án với tổng công suất khoảng 6.140 MW, miền Nam có 46 dự án với tổng công suất khoảng 2.671 MW, miền Bắc chỉ có 3 dự án với tổng công suất khoảng 96 MW).
Những cánh đồng điện gió, điện mặt trời đan xen giúp nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng tái tạo |
Mặc dù các dự án năng lượng tái tạo có sự phát triển nhanh chóng, nhưng do có thời gian xây dựng nhanh nên một số công trình lưới điện đấu nối giải tỏa công suất các nguồn điện này không kịp xây dựng đồng bộ, dẫn tới tình trạng lưới điện bị quá tải cục bộ, phải cắt giảm công suất phát một số dự án, gây khó khăn cho nhà đầu tư, làm lãng phí nguồn lực của đất nước.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp bị suy giảm, phục hồi chậm nên phụ tải giảm thấp, đặc biệt vào các ngày lễ, tết nên vào thời điểm này các nguồn năng lượng tái tạo đã bị cắt giảm công suất đáng kể để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn.
Nhiều vướng mắc trong triển khai và vận hành điện gió tại tỉnh Ninh Thuận đang cần được Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ |
Mặt khác, do để kịp tiến độ hưởng giá FIT, một số dự án điện mặt trời đã tổ chức triển khai xây dựng rất nhanh nên chưa thực hiện đầy đủ trình tự đầu tư xây dựng. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều dự án có sai phạm về đầu tư tại các Kết luận thanh tra, trong đó một số vấn đề nổi cộm như quy hoạch, chồng lấn trên đất khoáng sản hoặc trên đất về thuỷ lợi. Vì vậy, một số dự án hiện đã bị EVN dừng thanh toán, ảnh hưởng rất nặng nề tới phương án tài chính của doanh nghiệp, môi trường đầu tư... Vấn đề này cần được các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết, tháo gỡ để các doanh nghiệp khắc phục được vấn đề tài chính khó khăn hiện nay.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam và Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Trần Hoài Trang khảo sát thực địa tại Nhà máy điện gió Hanbaram |
Đối với các tồn tại, vướng mắc tại các dự án điện năng lượng tái tạo nêu trên thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành, địa phương và liên quan đến nhiều quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo các cấp có thẩm quyền sớm xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động các nguồn điện này để đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.