'Trái ngọt' ban đầu từ chuyển đổi số của ngành điện miền Bắc

Trong các tổng công ty phân phối thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là đơn vị gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Bởi phần lớn hệ thống lưới điện được đầu tư từ lâu với công nghệ cũ; số lượng khách hàng nông thôn, miền núi lớn nên vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số. EVNNPC đã và đang vượt qua mọi thử thách, từng bước số hóa trên mọi lĩnh vực hoạt động, từng bước tiến gần tới mục tiêu đến năm 2022 cơ bản trở thành doanh nghiệp số.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

EVNNPC chịu trách nhiệm quản lý vận hành, kinh doanh bán điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Với đặc thù quản lý địa bàn rộng, phần lớn hệ thống lưới điện đầu tư từ lâu với công nghệ cũ, công tác chuyển đổi số của EVNNPC đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số tại EVNNPC, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC cho biết: EVNNPC đã bắt đầu thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số từ hơn một năm nay, với nhiệm vụ số hóa tất cả các dữ liệu đầu vào từ dữ liệu tài sản, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách, chứng từ; từ dữ liệu về cán bộ công nhân viên đến khách hàng... “EVNNPC xác định nếu không thực hiện nhanh công tác chuyển đổi số, EVNNPC sẽ tụt hậu. EVNNPC đã lập ra kế hoạch rất chi tiết cho từng tháng, từng quý, với mục tiêu, đến cuối năm 2022, cơ bản trở thành doanh nghiệp số, mang đến cho khách hàng những dịch vụ điện tốt nhất” bà Đỗ Nguyệt Ánh chia sẻ.

Chuyên viên phòng tài chính kế toán Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện quy trình giải ngân trên môi trường số.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay, EVNNPC đã gặt hái được những thành công bước đầu trong việc số hóa các quy trình nghiệp vụ, góp phần minh bạch hóa, nâng cao tính liên kết của các chu trình công việc, giảm thiểu tối đa các khâu trong quy trình đang được làm thủ công và giấy tờ, tối đa hóa việc chuyển đổi số dữ liệu, bảo đảm sự tập trung và chuẩn hóa thông tin dữ liệu; đồng thời nâng cao năng suất lao động và đáp ứng các yêu cầu của công tác giám sát, vận hành và quản trị của tổng công ty. Điển hình việc số hóa quy trình kinh doanh đã giúp EVNNPC tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn ngày công mỗi năm. Trong đó, riêng việc số hóa quy trình thay công tơ định kỳ đã giúp EVNNPC tiết kiệm khoảng 3,5 tỷ đồng/năm chi phí in ấn biên bản treo, tháo; tiết giảm được gần 7.000 ngày công...

EVNNPC cũng là đơn vị tiên phong của ngành điện trong việc số hóa quy trình nghiệp vụ lĩnh vực tài chính kế toán, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản trị doanh nghiệp. Riêng quy trình giải ngân, trước đây để hoàn thành một bộ hồ sơ từ đơn vị đến tổng công ty thường mất từ 10-14 ngày thì hiện nay chỉ mất từ 6-7 ngày. Đó là chưa kể, việc số hóa quy trình còn tiết kiệm được chi phí in ấn tài liệu, chi phí đi lại giữa đơn vị với tổng công ty, nhất là các đơn vị ở xa trụ sở tổng công ty như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Giang...

Gia tăng tiện ích cho khách hàng

EVNNPC xác định chuyển đổi số nói chung góp phần quan trọng để nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình kinh doanh; đặc biệt là tạo ra không gian số để tương tác với khách hàng một cách tốt nhất. Chính vì vậy, EVNNPC đã và đang không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với mục tiêu mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích, hiện đại và chuyên nghiệp nhất. Đến nay, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4; phát triển các kênh chăm sóc khách hàng online như: Tổng đài, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên điện thoại di động, webiste... Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành điện.

Đến hết tháng 9-2021, EVNNPC đã chuyển đổi số được 8,45 triệu hợp đồng mua bán điện, đạt 91% kế hoạch. Dự kiến, tháng 11-2021, EVNNPC sẽ số hóa thành công 100% hợp đồng mua bán điện, vượt kế hoạch đề ra. Việc số hóa hợp đồng mua bán điện giúp khách hàng có thể dễ dàng tra cứu hợp đồng trên nền tảng Internet, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời từng bước thay đổi thói quen, giúp khách hàng làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện trên môi trường số. Thực hiện chiến lược đổi mới và thực hiện lưới điện thông minh, EVNNPC đã thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử. Tính đến nay, số lượng công tơ điện tử trên lưới điện đã đạt khoảng 6,1 triệu công tơ, chiếm gần 60% số công tơ hiện có. EVNNPC phấn đấu hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử vào năm 2024. Việc áp dụng công tơ điện tử giúp EVNNPC nói riêng, ngành điện nói chung cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể giám sát được sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày, từ đó có sự điều chỉnh trong sử dụng điện cũng như phát hiện kịp thời những bất thường nếu có.

EVNNPC đã và đang nỗ lực hết mình để sớm trở thành tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới ngang tầm các công ty điện lực ở các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng văn hóa mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và hệ thống dịch vụ xuất sắc. Để đạt được mục tiêu này, bà Đỗ Nguyệt Ánh cho hay, EVNNPC xác định, chuyển đổi số không phải là đích đến, mà là một quá trình liên tục và phát triển theo từng giai đoạn bằng cách mở rộng phạm vi hoặc nâng cao, cải tiến hơn ở một cấp độ mới...

Nguồn:Theo QDND Sao chép liên kết
Tin liên quan