“Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”
Ngày 16/9/2022 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 có chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Tham dự diễn đàn có trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia, những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời diễn đàn cũng là nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong suốt 20 năm gần đây, tăng trưởng điện quốc gia của Việt Nam luôn ở mức hai con số (trung bình tăng trưởng 10,7%/năm cho đến năm 2019). Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, từ một quốc gia xuất khẩu ròng về năng lượng, Việt Nam đã chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015 và sắp tới sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng cho phát điện.
Diễn đàn bao gồm hai phiên:
Phiên 1: Chính sách và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Tại phiên này các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược, cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã thảo luận và chia sẻ chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.
Phiên 2: Giải pháp công nghệ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Trong phiên 2, diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế ... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.