Trẻ học online 2 tiếng nhưng chưa được chữ nào

Ngày đầu triển khai học online tại nhiều địa phương chưa được thuận lợi do đường truyền không ổn định, các nền tảng học trực tuyến trục trặc hoặc quá tải.

“Lo mà học đi”, “im miệng đi”, thỉnh thoảng, lớp học của con trai chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) lại vang lên tiếng phụ huynh quát con. Mẹ nhắc bài con khi chưa tắt mic, con quay sang dặn “mẹ ơi, đừng nói nữa, cô với mọi người nghe hết rồi kìa”.

Con trai chị Phương chán nản vì bị "văng" khỏi lớp học trực tuyến liên tục. Ảnh: N.P.

Buổi học online đầu tiên, trong nhóm chat chung của phụ huynh, tin nhắn nhắc nhau ai quát con thì tắt mic trước đi. Khổ nỗi, những đứa trẻ lớp 2 lại táy máy bật lên nên lớp học ồn ào không dứt.

“Phụ huynh còn nháo nhào như vậy nữa là trẻ con. Nói chung, buổi đầu tiên, lớp không khác gì cái chợ”, chị Phương nói.

Cô, trò thay nhau "out" liên tục

Chị Nguyễn Phương cho hay buổi học online đầu tiên của con trai không mấy suôn sẻ. Theo thời khóa biểu, tiết đầu tiên bắt đầu từ 8h30. Nhưng 15-20 phút đầu, cô trò thay nhau “out” liên tục khỏi lớp.

Lớp có khoảng 45 học sinh, nhao nhác vì không học được, bố mẹ than phiền, mắng con, mic cứ tắt lại bật nên rất ồn ào.

Tình hình lớp học của con chị Phạm Nhung (Ứng Hòa, Hà Nội) còn tệ hơn. Sáng nay, hai con chị háo hức dậy sớm cho buổi học đầu tiên. Học sinh bắt đầu học từ 7h30 mà đến 9h30, cả lớp vẫn loay hoay không vào được Zoom, con vẫn chưa học được chữ nào. Các con vào lại “out”, có lúc học sinh vào được thì giáo viên không vào được.

“Là buổi học đầu năm, các con rất háo hức học sách mới. Nhưng bị ‘out’ liên tục, các con cũng nản, thường xuyên gọi mẹ vào chỉnh giúp. Tôi phải giải thích lỗi mạng do nhiều bạn cùng vào học để các con chịu khó ngồi chờ”, chị Nhung cho hay.

Nhiều phụ huynh sốt ruột, vào nhóm chat hỏi tình hình mới biết không ít em không vào được lớp học trên mạng.

Đến gần 10h, học sinh và cô giáo cùng vào được nhưng phần mềm lại "lag", có hình mà không tiếng. Chị Nhung nói thêm bình thường con học online, lớp học rất ồn. Hôm nay, lớp yên tĩnh kỳ lạ vì không bắt được tiếng.

Đến khi lớp tạm ổn, có đủ hình với tiếng, buổi học chỉ còn lại 15 phút. Như vậy, trong buổi đầu tiên của năm học, các con gần như không học được gì.

Mưa lớn khiến đường truyền ở Nghệ An không ổn định, ảnh hưởng tới việc học online của trẻ. Ảnh: S.T.

Phần mềm trục trặc, đường truyền không ổn định

Không chỉ tại Hà Nội, các lớp học ở TP.HCM, Nghệ An cũng gặp trục trặc phần mềm và đường truyền.

Tại Nghệ An, Ngô Sĩ Trường cho biết hôm nay là ngày đầu tiên chính thức học online của em trai lớp 6. Lớp học qua nền tảng Zoom nhưng buổi sáng, Nghệ An có mưa to, đường truyền kém, học sinh bị “văng” ra khỏi lớp nhiều. Lớp học không ổn định, cứ khoảng 15 phút, em trai Trường lại bị thoát ra khỏi lớp. Nhiều em đang học thì nhà mất điện.

“Ban đầu, tôi mở lớp trên K12online không được, loay hoay mãi cũng không xong nên đành mở lớp qua MS Team cho học sinh học tạm. Hơn một giờ sau, tôi mới vào được K12 online nhưng học sinh bị văng ra khỏi lớp nhiều.” Thầy Võ Kim Bảo chia sẻ.

Tại TP.HCM, các trường THCS, THPT chính thức bước vào chương trình năm học. Một số trường chọn dạy qua hệ thống K12online gặp trục trặc, phải chuyển qua nền tảng khác. Hiệu quả buổi học đầu không tốt.

Anh Khôi, học sinh lớp 10, trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết thời khóa biểu hôm nay của em có 4 tiết, bắt đầu lúc 7h15. Đến hơn 8h, cả lớp và giáo viên mới có thể bắt đầu.

“Trường học online qua hệ thống K12online nhưng hệ thống 'đơ', không ai vào được lớp, thử nhiều lần đều không được. Thầy cô đành tạo lớp khác qua Zoom để học tạm. Cả 4 tiết học, thầy cô đều thử qua K12online nhưng không thể nào vào được lớp”, Anh Khôi cho biết.

Bỏ qua trục trặc kỹ thuật ban đầu, nam sinh hài lòng với buổi học đầu tiên của năm học mới. Thầy, cô giảng bài hăng say, thậm chí thêm sang cả giờ tiết sau. Kết thúc mỗi tiết học, học sinh có 10 phút giải lao trước khi chuyển qua tiết mới.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết các lớp học của trường cũng ghi nhận sự cố tương tự với hệ thống K12online.

“Ban đầu, tôi mở lớp trên K12online không được, loay hoay mãi cũng không xong nên đành mở lớp qua MS Team cho học sinh học tạm. Hơn một giờ sau, tôi mới vào được K12 online nhưng học sinh bị 'văng' ra khỏi lớp nhiều. Tổng thể cả lớp không được đồng đều, hệ thống yếu, nhiều em cứ ra vào liên tục. Tôi có quay lại video cho những em không vào được lớp hay đường truyền không ổn định”, thầy nói.

Bên cạnh đó, buổi học đầu tiên đã có tình trạng vài học sinh lớp 9 mở máy lên điểm danh rồi không học, giáo viên hỏi không trả lời. Thậm chí sau khi hết giờ học, học sinh vẫn không biết đã hết giờ để tắt máy, thoát ra. Vì đây là lớp cuối cấp, thầy đã phải nhắn tình trạng này đến phụ huynh ngay để nhắc nhở ý thức học tập của con em mình.

Chị Phạm Nhung sẽ quan sát thêm, nếu tình hình các buổi sau vẫn như buổi đầu, chị lo việc học của con không đảm bảo. Ảnh: P.N.

Phụ huynh lo lắng học không hiệu quả

Buổi học đầu tiên không mấy suôn sẻ cũng khiến phụ huynh lo lắng. Chị Phạm Nhung cho hay lớp của hai con mình kết thúc lúc 10h30. Hai con vẫn giữ được chút háo hức của buổi học đầu.

Tuy nhiên, bản thân chị lại không lạc quan được như vậy. Chị cho rằng nếu các buổi sau, tình hình mạng và phần mềm không được cải thiện, các con gần như không tiếp thu được kiến thức từ cô, dẫn đến không đảm bảo tiến độ học.

Bà mẹ hai con cho hay chị sẽ quan sát thêm một số buổi học, để xem có ổn hơn không. Nếu không, chị sẽ cùng các phụ huynh có ý kiến để trường điều chỉnh.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương xác định việc học online như hiện tại không hiệu quả với học sinh lớp 2. Các con còn nhỏ, chưa ý thức tập trung học. Mạng, phần mềm không ổn định, cô giáo lại chỉ tập trung giảng bài, khó quản lý lớp.

Như thực tế sáng nay, dù theo thời khóa biểu, lẽ ra đến 9h10, các con chuyển sang học tiết 2 (Tiếng Việt), nhưng đến tận 10h, cô giáo vẫn chưa dạy hết nội dung tiết 1 (Toán). Con cũng chán nản vì lớp học chỉ có việc nghe giảng và làm bài tập, không đủ thời gian cho các hoạt động xen kẽ để học sinh bớt căng thẳng.

“Xác định con học không hiệu quả nên tôi chỉ kèm cặp mấy buổi đầu. Các buổi sau, tôi cho con tự học nhiều hơn. Giờ, cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi chỉ mong hết dịch để con được đến trường”, chị Phương tâm sự.

Tác giả: Hải Triều
Nguồn:Theo: Zing News Sao chép liên kết
Tin liên quan