COVID-19 là nguyên nhân đổ vỡ tình cảm của các lứa đôi?

Nếu mối quan hệ của các bạn đang gặp trục trặc trong đại dịch, có một sự an ủi nhẹ rằng bạn không hề cô đơn. Một nghiên cứu của Đại học London cho thấy hơn một phần năm số người trưởng thành thừa nhận họ có mối quan hệ đổ vỡ vì COVID-19...

Đại dịch không chỉ tác động đến những người đang yêu nhau, nó còn có thể phá hỏng cả quan hệ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Ngược lại, đối với các cặp vợ chồng trẻ, khi ở nhà cùng nhau thì có xu hướng yêu nhau hơn trong đại dịch.

 

COVID-19 đang khiến các mối quan hệ bị đổ vỡ

Những kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu lớn kéo dài 72 tuần trên 70.000 người tham gia. Trong đó, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu cách mà đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần và mô hình các mối quan hệ xã hội ở Anh.

Mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể đã nhận thức được đại dịch sẽ gây ra những căng thẳng, từ đó ảnh hưởng xấu đến những mối quan hệ của mình, dữ liệu từ nghiên cứu này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề mà mọi người đang gặp phải.

Nghiên cứu cho thấy chất lượng những mối quan hệ không phải giữa người thân trong gia đình đang bị đại dịch làm suy giảm trầm trọng nhất. So với năm 2020 chỉ có 14% các mối quan hệ này bị phá hỏng, con số của năm 2021 là 20%.

Thanh niên trong độ tuổi từ 18-29 và những người có vấn đề sức khỏe tâm thần là hai nhóm đối tượng có tỷ lệ đổ vỡ mối quan hệ cao nhất, lần lượt là 35 và 37%. Con số trong nhóm những người sống với trẻ em là 27% và những người có thu nhập thấp là 24%. Nghiên cứu một lần nữa cho thấy COVID-19 đang ảnh hưởng đến một nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn các nhóm khác.

Có khoảng một phần tư thanh niên trong độ tuổi từ 18–29 cho biết mối quan hệ yêu đương của họ với vợ/chồng hoặc bạn đời trở nên xấu đi, và mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp trở nên tồi tệ hơn.

 

Gần một nửa các cặp vợ chồng trẻ yêu nhau hơn khi ở nhà

Đó là khía cạnh tích cực duy nhất trong nghiên cứu này. Các nhà khoa học cho biết họ nhận được phản hồi từ 46% số cặp vợ chồng trẻ báo cáo chất lượng mối quan hệ của họ bất ngờ được cải thiện so với năm 2020. Trong so sánh tỷ lệ ở nhóm tuổi từ 30-59 và 60 tuổi trở lên thấp hơn hẳn, lần lượt chỉ đạt 27% và 21%.  Các nhà nghiên cứu giải thích rằng đây là một góc nhìn thú vị trong đại dịch. Họ nói có thể các cặp vợ chồng trẻ đang được hưởng lợi từ việc làm việc tại nhà và có nhiều thời gian cho các hoạt động bên cạnh nhau hơn. 

Trước đây, vợ chồng trẻ là nhóm thường xuyên bị công việc làm cho xa cách và ít có thời gian bên nhau. Họ cũng thường chưa có con nên không phải đối mặt với những căng thẳng tinh thần và tài chính, hay những bất đồng nảy sinh trong quá trình nuôi dạy con cái. Ngược lại, đó là điều mà các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn phải đối mặt. Hơn nữa, hôn nhân trải qua nhiều năm hơn cũng khiến họ bộc lộ nhiều bất đồng, chẳng hạn như quan điểm chống vắc-xin, chống khẩu trang hay bất đồng chính kiến về các chính sách phong tỏa có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc cãi vã.

Trong số nhiều yếu tố tác động lên các mối quan hệ nói chung, các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng mất việc làm, lo lắng tài chính và thiếu liên lạc trực tiếp có thể phải chịu trách nhiệm lớn cho các mối quan hệ bị đổ vỡ. Việc không nói chuyện trực tiếp được với nhau và chuyển sang các giao tiếp kỹ thuật số như nhắn tin, gọi video có thể gây ra những hiểu lầm khi tin nhắn bị hiểu sai, cuộc gọi bị gián đoạn. Thiếu các tín hiệu phi ngôn ngữ như những cái ôm, hôn cũng có thể làm suy giảm mối quan hệ của bạn. Thông thường, khi một cặp đôi cãi nhau để giải quyết một sự hiểu lầm hay bất hoà ngoài đời thực, những yếu tố phi ngôn ngữ khá quan trọng trong việc làm hoà. Nhưng với tình trạng giãn cách xã hội, những hiểu lầm có thể bị ngâm một chỗ, "mưng mủ" và khiến cho mối quan hệ đổ vỡ.

 

Tác động sức khỏe tinh thần gây ra bởi đại dịch vẫn là một tảng băng chìm

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ thanh niên trầm cảm, lo lắng và cô đơn trong thời kỳ đại dịch không nên được đánh giá thấp. Nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta có nhiều khả năng giải thích các mối quan hệ tương tác với bạn bè một cách tiêu cực và do đó, sự cô đơn thường tạo ra sự cô đơn hơn. Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể khuyếch đại thêm nỗi cô đơn đó, khi có nhiều người trên mạng xã hội chỉ đơn giản là đăng lên những góc nhìn lý tưởng hoặc phóng đại về cuộc sống của họ, dẫn đến cảm giác ghen tị và tủi thân ở những người khác.

Cuối cùng, trong nghiên cứu của mình các nhà khoa học cảnh báo sự đổ vỡ của các mối quan hệ dẫn đến cô đơn cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều tình trạng sức khỏe. Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo mối liên quan giữa tình trạng cô đơn với bệnh tim mạch, chất lượng giấc ngủ, tăng viêm nhiễm và giảm khả năng miễn dịch đối với bệnh do virus. Nghiên cứu trên người cao tuổi và sự cô lập với xã hội của họ đã kết luận rằng những người không có tương tác xã hội đầy đủ có nguy cơ tử vong sớm cao gấp đôi người bình thường. Nó tương đương với tác động sức khỏe của việc hút thuốc lá.

 

Một nghiên cứu kéo dài hơn 80 năm của Đại học Harvard cho thấy các mối quan hệ thân thiết là chìa khoá để duy trì hạnh phúc suốt đời. Nó có tác động còn hơn cả tiền bạc hay danh vọng. Nghiên cứu theo dõi quá trình trưởng thành của 268 sinh viên năm thứ hai ở Harvard, từ năm 1938 cho tới khi họ ra trường, có sự nghiệp thành đạt sinh con và sinh cháu. Cả con cháu của những sinh viên này sau đó cũng được theo dõi.

Qua đó, các nhà khoa học kết luận các mối quan hệ thân thiết giúp mọi người minh mẫn hơn trong tuổi già, tăng cường sức khoẻ thể chất. Những người có được những mối quan hệ tốt thậm chí còn sống khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn những người có chỉ số IQ cao, giàu có, có địa vị hay thậm chí có gen sống lâu.

Chính vì vậy, tác động tiêu cực của COVID-19 gây ra cho sức khoẻ tinh thần của mọi người, cụ thể là nó đang khiến nhiều mối quan hệ đổ vỡ và nhiều người trở nên cô đơn hơn, có thể là một tảng băng chìm mà các nhà nghiên cứu nên chú ý đến. Sự ảnh hưởng của nó sẽ còn kéo dài sau đại dịch, và nghiên cứu mới của Đại học London bây giờ đã cho chúng ta thấy những góc nhìn đầu tiên, đáng lo ngại của xu hướng này.

 

Tác giả: Tống Biên
Nguồn:genk.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51