Người thợ điện đam mê nghiên cứu các thiết bị tiết kiệm năng lượng
Đó là anh Trần An, 57 tuổi, công nhân Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Ngôi nhà của anh tại phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chưa bao giờ mất điện, kể cả bão lũ lớn, cả thành phố cúp điện nhưng nhà anh vẫn luôn sáng đèn, các thiết bị dùng điện vẫn hoạt động bình thường.
Tạo ra điện từ nắng và gió
Trước năm 1975 anh Trần An là thợ may chính hiệu. Sau năm 1975 anh vào làm việc ở ngành Điện, được cử đi tập huấn nghề điện. Anh có gần 30 năm công tác tại Tổ xử lý sự cố, Phân xưởng đường dây (nay là Điện lực Hải Châu). Ngoài giờ làm việc và những ngày nghỉ, anh bỏ nhiều công sức để tìm mua lại những tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, quạt …đã hư hỏng từ những cửa hàng đồ cũ và phế liệu về tháo gỡ, tận dụng, lắp ráp thành sản phẩm mới, sử dụng tốt. Chỉ riêng sạc pin từ nguồn năng lương thiên nhiên, anh mày mò lắp đặt, mấy lần đầu pin không sạc được, lần sau lại sạc quá “no” nổ luôn pin.
Sau nhiều tháng miệt mài thử nghiệm, anh đã nghiên cứu làm bộ điều khiển sạc để biết chính xác khi sạc nguồn năng lượng bao nhiêu vôn (V), khi đầy tự động ngắt. Nhờ vậy mà từ tấm pin, năng lượng thu được sẽ chuyển qua bộ điều khiển sạc để xử lý, sau đó truyền về bình ắc quy để cung cấp cho các thiết bị điện. Trên mái nhà, anh lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời do anh tái sử dụng từ vật tư cũ. Đặc biệt, năm 2013 toàn thành phố mất điện do sức tàn phá nặng nề của cơn bão Hayang nhưng gia đình anh vẫn có điện dùng từ nguồn năng lượng tích trữ qua ắc quy, ngoài ra còn bổ sung nguồn năng lượng thu nạp thêm rất lớn từ gió bão.
 do anh tự lắp đặt tại nóc nhà mình.jpg)
Hòa lưới điện tại gia đình
Dù có nguồn năng lượng tự nhiên từ mặt trời và gió nhưng anh An chỉ áp dụng cho những thiết bị điện có công suất nhỏ. Để đồng bộ năng lượng cho tất cả các thiết bị điện trong nhà, cần lắp đặt thêm nhiều công cụ, chi phí rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, anh đã nghiên cứu, kết hợp công nghệ, lắp đặt thành công bộ hòa lưới điện tại nhà (hòa năng lượng tự nhiên vào nguồn điện lưới) bằng cách lắp đặt thêm tấm pin, bộ hòa lưới, đồng hồ, công tắc điều khiển. Anh cho biết: “Nguồn điện nhà tôi sử dụng 200w, khi lắp đặt hệ thống hòa lưới thì đưa vào nguồn năng lượng tự nhiên từ 120w trở lên giúp tiết kiệm ít nhất 60 % năng lượng điện”. Thực tế, gia đình anh mỗi tháng dùng thả ga nhưng chỉ trả khoảng trăm ngàn tiền điện.
Chế tạo thành công đèn led
Sáng kiến tiếp theo là anh đã tự chế đèn led để sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà mình đã lắp đặt. Năm 2010 đèn led do anh tự chế được sử dụng trong gia đình mình thì đến năm 2012 thiết bị này mới xuất hiện trên thị trường. Thiết bị của anh khi sử dụng đảm bảo độ an toàn cao bởi anh đã chế tạo thiết bị kiểm tra độ an toàn của hệ thống. Khi có sự cố pin chập, đèn chập thì hệ thống cầu chì tự cắt đảm bảo an toàn, không xảy ra tai nạn.
Nhân rộng mô hình tiết kiệm năng lượng
Anh đã nhân rộng mô hình này không chỉ ở những gia đình thân quen mà còn mở rộng ra một số địa phương khác như Quảng Ngãi, Gia Lai. Một sô khách sạn, nhà hàng, quán cà phê đã nhờ anh tư vấn, lắp đặt các thiết bị sạc năng lương tự nhiên, hòa lưới cho các bảng quảng cáo, bóng đèn chiếu sáng. Đặc biệt là bộ sạc năng lượng tự nhiên cho wife (khi mất điện wife vẫn hoạt động) do anh chế tạo được.
Không chỉ là tiết kiệm điện cho gia đình, người thân và những người xung quanh, mô hình trên là sự nhân rộng ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng. Đó chính là niềm đam mê, tâm huyết, trăn trở không ngừng thôi thúc anh. “Thực ra việc sử dụng năng lượng mặt trời và gió không mới, cái chính là mình có chịu khó nghiên cứu áp dụng hay không. Nếu ai cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ để tiết kiệm năng lượng. Tôi tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt các thiết bị thu năng lượng tự nhiên đơn giản, ít tốn kém để nhà nào cũng có thể sử dụng”- anh Trần An chia sẻ.
Nguyễn Xuân Tư