Vượt mốc 26.000 đồng/lít sau khi tăng gần 1.000 đồng/lít, giá xăng xác lập kỷ lục mới
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng lần thứ 5 liên tiếp, trong đó giá xăng RON95 tăng 965 đồng/lít, có giá bán 26.287 đồng/lít.
Ngày 21-2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 25.532 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 965 đồng/lít, có giá bán 26.287 đồng/lít. Với mức tăng nay, giá xăng RON95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới.
Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở Hà Nội
Các mặt hàng dầu cũng tăng giá tại kỳ điều hành này. Theo đó, dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.
Tại kỳ này cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON95, E5RON92 và diesel ở mức 100-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã trải qua lần thứ 5 tăng giá liên tiếp và đây là lần tăng giá thứ 2 kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh vấn đề tăng giá mạnh, xăng dầu trong nước thời gian qua có "trục trặc" về nguồn cung, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cùng xăng dầu, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành xăng dầu. Trong diễn biến liên quan, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.