Từ bỏ điện hạt nhân tạo ra nguy cơ mới cho khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Năng lượng hạt nhân sụt giảm mạnh gây khó khăn cho châu Âu. Nước Bỉ quyết định từ bỏ điện hạt nhân trong bốn năm tới. Đây là quyết định nằm trong kế hoạch, nhưng vẫn khiến giới năng lượng đau đầu. Vào năm 2023, điện hạt nhân của châu Âu dự kiến giảm 23%, điện than giảm 78% cùng kỳ.

Tình hình rất đáng lo ngại bởi các năng lượng tái tạo chưa đủ sức vọt lên lấp đầy chỗ trống. Theo dự báo của McKinsey, tỉ lệ điện dựa vào các nguồn năng lượng không ổn định (gió, mặt trời…) sẽ tăng từ 35% hiện nay lên 60%, khiến giá năng lượng có thể tăng vọt.

Mặc dù tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân nhưng Bỉ vẫn để ngỏ khả năng sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ để sản xuất điện. Đây là một xu hướng mới trên thế giới. Trong Kế hoạch đầu tư France 2030 được Tổng thống Pháp trình bày hồi tháng 11/2021, mục tiêu số 1 của nước Pháp là phát triển công nghệ lò hạt nhân nhỏ.

Các lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ mà nước Pháp hướng đến có công suất từ 25 đến 600 MW, trong khi công suất của thế hệ lò phản ứng hạt nhân EPR (lò phản ứng công suất cao) mà công ty điện lực Pháp EDF đang phát triển có công suất tới 1.600 MW. Nếu EPR phục vụ cho việc sản xuất điện đại trà, quy mô quốc gia thì lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ lại hướng tới đáp ứng nhu cầu cấp địa phương.

Lợi thế của lò hạt nhân nhỏ so với lò quy mô lớn EPR là chi phí thấp hơn, lắp đặt đơn giản và nhanh chóng hơn, cũng như có nhiều cơ hội để xuất khẩu, góp phần khẳng định sức mạnh công nghệ cho nước Pháp.

Tác giả: Nh.Thạch AFP
Nguồn:nangluongquocte.petrotimes.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan