Tiếp tục giảm thuế VAT: “liều thuốc” kích cầu thị trường cuối năm

Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ chính thức được Quốc hội thông qua là một tin vui với người dân, DN. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là “liều thuốc” kích cầu tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024.

Giảm 2% thuế VAT nhiều nhóm hàng hóa

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7. Tại Nghị quyết được thông qua, Quốc hội quyết định kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8%) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/NQ-QH của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Cụ thể, chính sách sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT đúng với kỳ vọng của người dân, DN.

Việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT đúng với kỳ vọng của người dân, DN.

Như vậy, bắt đầu từ năm 2022, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay, nước ta chính thức có 4 lần giảm thuế VAT. Qua 3 lần giảm trước đó, chính sách này được đánh giá cao, đem lại hiệu quả tức thì, tác động trực tiếp cho nền kinh tế.

Vui mừng khi chính sách giảm thuế VAT chính thức được gia hạn, chị Nguyễn Thị Phượng - chủ siêu thị Minimart (Dương Nội, Hà Đông) cho hay: “Người tiêu dùng mua bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì mà được giảm giá thì đều phấn khởi. Vì vậy, khi Chính phủ liên tiếp có chính sách giảm thuế VAT, người bán như chúng tôi sẽ được lợi vì thuế giảm thì hàng hóa cũng giảm, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Thực tế, sau hơn 2 năm áp dụng chính sách giảm thuế VAT, số lượng hàng hóa bán ra tại cửa hàng của chúng tôi tăng cao hơn”.

Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa Hà Nội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhò và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp đồng hành với cộng đồng DN. Trong đó, tôi đánh giá cao chính sách về miễn giảm thuế VAT 2% đã thực hiện từ năm 2022 và sẽ tiếp tục kéo dài tới hết năm 2024. Chính sách giúp không chỉ DN mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, bởi việc giảm thuế sẽ giúp tăng sức mua trong dân, từ đó DN tăng lượng hàng bán ra, quay trở lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Nhìn nhận những tác động của chính sách giảm thuế VAT với nền kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc áp dụng giảm thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, DN. Đây là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, DN có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Cần thêm Nghị định hướng dẫn chi tiết

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7 - 31/12/2024, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy: chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.

Với việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, cả năm 2024, ngân sách ước tính giảm gần 47.500 tỷ đồng.

Việc áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ DN, người dân được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân, không phân biệt quy mô DN. Chính sách có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Mặc dù đây là lần thứ 4 chính sách này được triển khai, nhưng theo phản ánh của cộng đồng DN trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc, mang đến rủi ro. Mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định (Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP) để hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai DN vẫn lung túng.

Trước đó, trong góp ý về việc xin ý kiến xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, DN vẫn khó xác định thuế suất 8% hay 10% đối với hàng hóa, gây nhiều chi phí xã hội và tăng rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN phản ánh, họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít DN phản ánh tình trạng đàm phá mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, gá cả, nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Vì vậy, để chính sách giảm thuế VAT đạt được hiệu quả cao nhất, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ sớm có thêm Nghị định và các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, một số ý kiến cho rằng, việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đạt mục tiêu đề ra; chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.

Nguồn:Theo Kinh tế Đô thị Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51