Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW: Còn nhiều vấn đề cần quan tâm đối với phát triển năng lượng

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được bộ Chính trị ban hành ngày 11/02/2020. Qua hơn 4 năm thực hiện chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề cần quan tâm đối với phát triển năng lượng và chuyển dịch năng lượng hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, đến nay đã trải qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đã có những hành động cụ thể của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tác động tích cực đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển, chúng ta cũng cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế để có những bước đi phù hợp.

Hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vẫn cần cải thiện

Ông Nguyễn Ngọc Trung cho rằng, trong thời gian qua công tác thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW được quan tâm, cơ bản đã tạo dựng hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho phát triển năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên vẫn còn một số luật và một số đề án, chương trình quan trọng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng còn chậm xây dựng cần quan tâm thúc đẩy thực hiện và sớm ban hành.

Ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong phát triển năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140-NQ/CP, ngày 02/10/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ-TW; theo đó có 39 đề án, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yêu nêu trong Nghị quyết 55; trong số 39 đề án, chương trình nêu trên có 28 đề án, chương trình được gắn kết gắn với các vấn đề phát triển năng lượng tái tạo và quá trình chuyển dịch năng lượng.

Riêng với ngành Dầu khí, Quốc hội đã ban hành Luật Dầu khí số 12/2022/QH15, ngày 14/22/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2023/NĐ-CP, ngày 01/07/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW, ngày 24/4/2024 về “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng trong gia đoạn mới”. Trong đó đã yêu cầu phát triển ngành dầu khí phải gắn với quá trình chuyển dịch năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng xanh, đặc biệt cần phải đẩy mạnh công nghiệp điện khí, điện gió, điện mặt trời ngoài khơi, ven biển, sản xuất hydrogen xanh, ammoniac xanh, năng lượng tái tạo gắn với lợi thế của ngành dầu khí… các nội dung này phù hợp với quan điểm chỉ đạo về ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch được nêu trong Nghị quyết 55.

Ông Nguyễn Ngọc Trung đánh giá, các Luật, Nghị định, Quyết định được ban hành đã đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý cho phát triển năng lượng. Nhờ đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng và cơ cấu nguồn điện; cho phép các doanh nghiệp năng lượng truyền thống như Petrovietnam, Petrolimex mở rộng lĩnh vực hoạt động sang phát triển năng lượng tái tạo; tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tăng cường nguồn lực theo hướng xã hội hóa để đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng…

Mặc dù đã có khung hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển và chuyển dịch năng lượng. Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa đổi điều chỉnh Luật Điện lực (sửa đổi, trong đó chú trọng bổ sung nội dung về năng lượng tái tạo). Nhất là cần sớm xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo cùng các nghị định hướng dẫn thực hiện liên quan để tạo hành lang pháp lý phát triển ngành năng lượng đồng bộ, nhanh và bền vững gắn với yêu cầu chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, cần xây dựng, hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các phân ngành năng lượng điện, than và dầu khí. Riêng với ngành dầu khí cần sớm ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ cũng như xây dựng lại chiến lược ngành và chiến lược của Petrovietnam dựa trên cơ sở Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị.

Để có thêm cơ sở pháp lý thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, Chính phủ cũng cần phải xây dựng mới Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (thay thế chiến lược phát triển năng lượng tái tạo hiện nay ban hành theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng 24 đề án, chương trình còn lại như đã nêu trong Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ…

Phải tăng cường năng lực tự chủ các nguồn cung năng lượng

Ông Nguyễn Ngọc Trung cho rằng, việc gắn kết và thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng cường năng lực tự chủ các nguồn cung năng lượng trong bối cảnh an ninh năng lượng phụ thuộc nhiều vào tình hình nhập khẩu năng lượng, nhất là nhập khẩu than và nhập khẩu LNG cho phát điện và tiêu dùng trong thời gian tới là rất quan trọng.

LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến một tương lai phát triển bền vững.

Các tính toán cho thấy, trong dài hạn (đến năm 2030) mục tiêu cung cấp đủ năng lượng theo yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 55 vẫn là một thách thức rất lớn. Theo bảng Cân bằng năng lượng năm 2022, tổng cung năng lượng sơ cấp là 98,88 triệu TOE để đạt được mục tiêu cung cấp 175 triệu TOE năng lượng sơ cấp vào năm 2030 (tức là cần bổ sung 76,12 triệu TOE trong vòng 9 năm, như vậy trung bình một năm là khoảng 8,45 triệu TOE). Cùng với đó, việc đạt khoảng 550-600 tỷ kWh nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW hoặc theo Quy hoạch điện VIII dự kiến sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2030 là khoảng 567 tỷ kWh cũng sẽ là thách thức rất lớn.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, sản xuất năng lượng truyền thống như dầu khí và than đã dần đạt đến giới hạn về điều kiện kinh tế - kỹ thuật, điều kiện khai thác than và dầu khí ngày càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong khâu đầu của ngành Dầu khí tại những khu vực tiềm năng ở vùng nước sâu, xa bờ dẫn đến hệ số bù trữ lượng dầu khí (tỷ số gia tăng trữ lượng/khai thác) đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

“Mặc dù ngành Dầu khí đã có nhiều cố gắng để nâng cao hệ số thu hồi dầu khí, nhưng sản lượng sản xuất dầu khí trong nước đã có xu hướng giảm mạnh (năm 2018 sản lượng đạt 23,98 triệu tấn đến năm 2023 giảm còn 17,88 triệu tấn, trong vòng 5 năm đã giảm 5,1 triệu tấn,). Hiện nay các mỏ dầu khí trong nước, nhất là bể Cửu Long đã khai thác lâu năm dẫn đến suy giảm sản lượng nhanh. “Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ gắn với cơ chế khuyến khích ưu đãi đầu tư để nâng cao hiệu quả thu hồi dầu khí; chú trọng phát hiện mới và khai thác hiệu quả các mỏ nhỏ, khối sót cận biên; tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, giảm giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh” - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Đối với ngành than, thực tế cho thấy, khai thác than hầm lò ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, do điều kiện khai thác sâu hơn nên chi phí giá thành than sản xuất trong nước ngày càng cao, khả năng cạnh tranh của than trong nước với than nhập khẩu ngày càng yếu. Do đó, ông Trung cho rằng, ngành than cần tập trung nâng cấp tài nguyên than hiện có đảm bảo độ tin cậy, đồng thời với thăm dò, khai thác các mỏ mới. Trong dài hạn, ngành than cần quan tâm nghiên cứu, khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng bằng công nghệ khí hóa than tiên tiến, đảm bảo tốt nhất yêu cầu về môi trường, đồng thời cần cần tìm kiếm cơ hội đầu tư, khai thác ở nước ngoài phù hợp với chủ trương nêu trong Nghị quyết 55.

“Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mặc dù ngành dầu khí và than được đặt trong trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, chú trọng đến các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường nhưng vẫn phải đồng thời duy trì sản lượng khai thác hợp lý gắn với yêu cầu phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái” – ông Nguyễn Ngọc Trung nêu quan điểm.

Theo số liệu thống kê, nhập khẩu than các loại của Việt Nam vào năm 2023 đã lên đến hơn 51,1 triệu tấn bằng 110% sản xuất than trong nước. Về xăng dầu, năm 2023, tổng tiêu thụ cả nước khoảng 26 triệu m3/tấn; trong đó đã nhập khẩu hơn 10 triệu m3/tấn xăng dầu, tương đương khoảng 38%. Đối với LNG, đã bắt đầu nhập khẩu từ tháng 7/2023 đến nay. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã nhập 4 chuyến LNG với giá trị gần 3 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng và thị trường năng lượng quốc tế luôn có nhiều biến động khó lường, thì việc cần khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng, cụ thể là nhập khẩu than, và nhất là LNG trong trung hạn và dài hạn là hết sức cần thiết để đảm bảo yêu cầu về an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm đối tác năng lượng chiến lược và đẩy mạnh công tác đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài phù hợp với chủ trương nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nguồn:Theo erav.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51