Thứ nguyên liệu ở Việt Nam thường đốt bỏ, Amazon bán 100 USD/tấn

Thông tin đáng quan tâm này được Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu" tổ chức ngày 21/10.


 

Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Tống Xuân Chinh: "Mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon có giá từ 80-100 USD, nhưng Việt Nam lại bỏ lãng phí cả tỉ USD khi đến gần 50% phụ phẩm rơm bị vứt bỏ"

Ông Chinh cho rằng, rơm rạ ở nước ta đang bị đốt bỏ rất lãng phí, vì vậy cần phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ xử lý nguồn rơm rạ này thành phụ phẩm có thể xuất khẩu.

Theo báo cáo của của Bộ NN&PTNT, ở Việt Nam sau khi thu hoạch lúa, lượng rơm (phụ phẩm của ngành lúa gạo) lên tới 42,3 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rơm lúa nhiều nhất cả nước, khoảng 23,8 triệu tấn.

Báo cáo cũng nêu rõ, tỷ lệ sử dụng rơm lúa vào các mục đích khác nhau là 56,3%, rơm thường được làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, ủ làm phân hữu cơ, làm nấm rơm, chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, phủ luống, phủ gốc cho cây trồng, làm nguyên liệu đun nấu...

Tại ĐBSCL, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021, giá rơm thu mua tại ruộng khoảng gần 400 đồng/kg, giá rơm vận chuyển lên cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó (tương đương 1.250 đồng/kg).

Còn nếu vận chuyển đến các cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn... thì rơm được thu mua với giá khoảng 25.000/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Vì vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong họ có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm lúa khi bán cho người thu mua.

Tuy nhiên, tại miền Bắc và miền Trung, người dân có thói quen đốt rơm rạ. Ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành Đồng bằng Bắc Bộ đã ghi nhận tình trạng này từ nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa thu hoạch, máy tuốt lúa sẽ được để ngay bên vệ đường, khi tuốt xong, thóc được đóng vào các bao tải, còn rơm được chất đống phơi ngoài đồng, đợi đến khô người dân sẽ đốt.

Việc đốt rơm rạ có thể gây ô nhiễm không khí, bụi mịn tăng cao, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thậm chí, đốt rơm rạ còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa.

Theo tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10-12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày”.

Gần 50% phụ phẩm rơm không được tận thu được đốt bỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài cần phải có giải pháp tổng thể, kể các các quy định và pháp luật cũng như các giải pháp công nghệ để giải quyết tình trạng này. Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.Thậm chí thành phố Hà Nội có thời điểm từng ra chỉ thị cấm hành vi đốt rơm rạ, bởi việc làm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí của Thủ đô nhiều năm qua.

Trước đây, các nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, tận thu phụ phẩm nông nghiệp nói riêng được quy định rời rạc, phân tán tại nhiều điều khoản dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình thực thi tại chính quyền địa phương các cấp. Chính vì vậy, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này có hẳn một điều luật quy định rơm rạ phải được sử dụng để sản xuất phụ phẩm nông nghiệp.

Được biết, hiện nay nhiều địa phương đang áp dụng phương pháp vùi lấp rơm rạ. Tuy nhiên, phương pháp này cần chú ý áp lực của cỏ dại và bệnh lúa có thể gia tăng khi rơm rạ được vùi vào đất và có thể gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Vì vậy, có thể thay thế một giải pháp bền vững hơn bằng cách tận thu triệt để rơm rạ hơn nữa ngoài việc làm thức ăn gia súc, trồng rau màu, làm nấm…

Tác giả: M.C
Nguồn:petrotimes Sao chép liên kết
Tin liên quan