Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam thu hút những 'ông lớn' Singapore nào?

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên ở top đầu bảng xếp hạng FDI rót vốn vào Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó, thị trường năng lượng tái tạo đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước này.

 

Nhà máy điện mặt trời Europlast Phú Yên được Tập đoàn Điện lực Singapore mua lại. (Ảnh: SP).

Đối tác cùng PTSC thực hiện dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore

Trong số các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam không thể không nhắc tới Tập đoàn Sembcorp được thành lập năm 1998. Đây là tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng hàng đầu Singapore. Quỹ đầu tư chính phủ Singapore Temasek Holdings nắm giữ 49,5% vốn của Sembcorp.

Một trong những điểm đầu tư nổi bật được Sembcorp thực hiện là đồng phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cùng với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) – thành viên của Tập đoàn PetroVietnam, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu chưa được công ty công bố.

Dự án ước tính có công suất lắp đặt là 2.300 MW, công suất thương mại hữu dụng được tính toán vào khoảng 1,2 đến 1,4 GW (tỷ suất hiệu dụng 45 - 50%). Lượng điện nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được truyền tải qua tuyến cáp ngầm mới chiều dài 1.000 km sang Singapore, có thể đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của nước này.

PTSC dự kiến dự án sẽ tạo ra thu nhập đáng kể từ năm 2032 trở đi và cho rằng cơ chế thí điểm của dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển mà không cần có luật, nghị định hoặc quy định.

Mới đây, trong tháng 6/2024, Sembcorp Solar Vietnam (công ty con do Sembcorp) sở hữu 100% đã hoàn thành mua lại 3 dự án điện mặt trời và điện gió của Tập đoàn Gelex, tổng công suất 196 MW.

Cụ thể, Sembcorp Solar Vietnam đã mua 3 dự án điện mặt trời và điện gió của Tập đoàn Gelex. Từ nay đến cuối năm, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của một công ty con trong hệ thống của GELEX. Công ty này sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49MW.

Sau khi hoàn thành toàn bộ, tổng công suất năng lượng tái tạo của Sembcorp tại Việt Nam sẽ đạt 455MW, còn tổng công suất năng lượng tái tạo của Tập đoàn này trên toàn cầu sẽ đạt 14,4GW. Phía Sembcorp cho biết, dự kiến việc mua lại tài sản thủy điện 49MW sẽ được hoàn tất vào nửa cuối năm 2024 sau khi đạt được các phê duyệt theo quy định.

5 dự án điện gió tại Quảng Trị mà Sembcorp muốn mua lại của Tập đoàn Gelex, gồm: Dự án Hướng Phùng 2 công suất 20MW, Hướng Phùng 3 công suất 29,4MW, Gelex 1, 2, 3 công suất mỗi dự án là 29,4MW.

Nhà đầu tư Sembcorp cũng từng được biết đến trước đó khi đầu tư vào năng lượng tái tạo Việt Nam ở dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, có tổng công suất 716,8 MW.

Dự án do các nhà đầu tư Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation đưa vào vận hành năm 2004 và được chuyển giao không bồi hoàn cho Việt Nam vào ngày 1/3/2024, sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng. Hiện nay Sembcorp đang sở hữu 66% vốn của dự án này.

Một dự án năng lượng khác của Sembcorp tại Việt Nam là việc bắt tay với công ty con của Bamboo Capital (BCG) là BCG Enegy để thành lập Công ty cổ phần Năng lượng Gaia (BCG Gaia). Sembcorp hiện đang nắm 49,7% vốn của doanh nghiệp này

BCG Gaia xây dựng hai nhà máy năng lượng mặt trời là BCG Long An 1 và BCG Long An 2 với tổng công suất 141 MW. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án này khoảng 3.400 tỷ đồng. Hai dự án này đều đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2020.

Phát triển toàn diện cả điện gió và điện mặt trời

Một cái tên khác có nguồn gốc từ Singapore cũng mạnh tay chi tiền vào mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là Levanta Renewables. Đây là công ty chuyên về năng lượng tái tạo, đã ký hợp tác với Actis - nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới về cơ sở hạ tầng bền vững, đang quản lý 25 tỷ USD vốn đầu tư để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.

Tháng 7 vừa qua, Levanta Renewables công bố đăng ký mua lại dự án điện mặt trời áp mái công suất 28,7 MWp, trải rộng gần 200.000 m2 bề mặt mái nhà từ Công ty cổ phần Tiến Nga và các đơn vị liên quan tại Đồng Nai. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2025.

Dự án có khả năng tạo ra hơn 34GWh mỗi năm, cung cấp năng lượng xanh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA), được đánh giá là phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Tại thông cáo báo chí phát ra của công ty này, ông Sudhir Nunes, Giám đốc Điều hành Levanta Renewables cho biết, thương vụ này đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Levanta tại Việt Nam.

Dự án bổ sung vào danh mục tài sản năng lượng mặt trời và gió của công ty tại Việt Nam, đồng thời giúp Levanta đạt được mục tiêu sở hữu, vận hành nền tảng năng lượng tái tạo 1,5 GW trên khắp Đông Nam Á vào năm 2028.

Trước đó, năm 2021, Levanta Renewables đã hợp tác với nhà phát triển Đức WPD xây dựng trang trại điện gió trên bờ Kon Plông (Kon Tum), trong đó, nắm 83,9% vốn điều lệ. Dự án có tổng giá trị đầu tư 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 103,5 MW, sản lượng điện ròng 260.182 MWh điện/năm.

Hệ thống quang điện mặt trời trên mái các nhà kho của Công ty cổ phần Tiến Nga đã bán lại cho Levanta Renewables. (Ảnh: Levanta).

Nhà đầu tư mua lại dự án đang bị Bộ Công Thương điều tra

Thị trường đầu tư của Singapore vào Việt Nam tiếp tục sôi động khi có sự góp mặt của Tập đoàn EDP Renewables (EDPR) - nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn thứ tư thế giới.

Doanh nghiệp này năm 2022 đã có một thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Xuân Thiện ở 2 dự án ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đi vào hoạt động thương mại từ tháng 4/2020. Hai dự án có Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN trong thời gian 20 năm với giá 93,5 USD/MWh.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc do Công ty cổ phần Xuân Thiện Thuận Bắc (Xuân Thiện Thuận Bắc) làm chủ đầu tư có tổng công suất lắp đặt 256 MWp, được xây dựng trên diện tích 259 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Đây là một trong số 32 dự án điện gió, điện mặt trời mà Bộ Công an đang yêu cầu EVN cung cấp thông tin, tài liệu cho nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công thương.

Sự góp mặt của Tập đoàn Điện lực Singapore và các doanh nghiệp khác

Tập đoàn Điện lực Singapore (SP) tham gia đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam năm 2023, thông qua việc mua lại 2 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 100 MWp, gồm: Nhà máy Europlast Phú Yên (công suất 50 MWp) và nhà máy Long Thành Phú Yên (công suất 50 MWp) nằm tại tỉnh Phú Yên.

Nhà máy Europlast Phú Yên được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019 và tạo ra khoảng 60 GWh điện sạch mỗi năm. Nhà máy Long Thành Phú Yên bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2020, sản xuất ra khoảng 70 GWh điện mỗi năm. Hai nhà máy có khả năng cung cấp 130 GWh điện cho lưới điện Việt Nam, tương đương nhu cầu của 36.000 hộ dân.

Trụ sở của Tập đoàn Điện lực Singapore.

Thương vụ này đánh dấu lần đầu tiên SP đầu tư vào nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, là một phần trong kế hoạch đầu tư và phát triển các dự án nhà máy điện mặt trời và điện áp mái với tổng công suất 1,5 GW vào năm 2025.

Ngoài ra, thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn thu hút nhiều doanh nghiệp khác. Trong đó, Great Master đang đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho mua lại 20% tổng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Trung Khởi, tương đương 129 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn Quảng Trị, trong đó có một số dự án điện mặt trời.

Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (AG&P) cũng tham gia mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Hải Linh.

Ngày 13/8 vừa qua, tại cuộc họp về Nghị định liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu Bộ Công Thương rà soát nhu cầu tiêu thụ điện, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện, mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Về phương án mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất tỷ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia.

Nguồn:Theo erav.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51