Quy hoạch đô thị ven sông Hồng
Chưa khi nào một dự án quy hoạch lại được nhiều người quan tâm như quy hoạch đô thị sông Hồng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao...
Đô thị sông Hồng có vị trí đặc biệt, rất đặc biệt
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội hình thành 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn và Sơn Tây. Mỗi đô thị vệ tinh này có đặc điểm, chức năng khác nhau, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050. Nhưng đô thị sông Hồng lại có vị trí khác, rất đặc biệt.
KTS. Phạm Thanh Tùng cho biết đó không phải là đô thị vệ tinh kiểu như 5 đô thị kia. Đây là hình thái đô thị mới sát kề trung tâm nội đô, được hình thành trên nền lịch sử -văn hóa nghìn năm của Thăng Long- Hà Nội, với sông Hồng là trung tâm phát triển. Nó phản ánh câu chuyện của lịch sử, của văn hóa, câu chuyện của một đô thị đổi mới, sáng tạo, đô thị xanh, đô thị sinh thái, đủ khả năng thích ứng với thiên tai. Theo ông Tùng, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đô thị Hà Nội dần quay mặt với dòng sông, bỏ quên một vùng đất bãi rộng lớn nơi có nhiều làng quê, làng nghề truyền thống cùng các di tích kiến trúc- văn hóa-lịch sử.
Hàng ngàn ha đất bãi bị dân cư thập phương tìm về trú ngụ, trồng trọt, kiếm sống, hình thành những xóm tự phát, những khu nhà ở lụp xụp, nhếch nhác với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiếu thốn, môi trường sống bị ô nhiễm. Sau hơn sáu thập niên (tính từ khi thủ đô được giải phóng 10-10-1954) xây dựng và phát triển, Hà Nội ngày hôm nay đã mở rộng gấp 3,6 lần so với trước năm 2008, với diện tích lên đến hơn 3.300 km2, dân số gần 8 triệu người. Cùng với những thành tựu phát triển về kinh tế-xã hội, về kiến trúc đô thị, thành phố cũng đã và đang phải đối mặt với những hệ lụy của quá trình phát triển nhanh, thiếu kiểm soát trong nền kinh tế thị trường, làm cản trở sự phát triển bền vững của thủ đô.
Đại dịch Covid-19 xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM và hầu hết các đô thị trên cả nước đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá không chỉ trong trong quản trị, quản lý vận hành mà cả trong quy hoạch phát triển đô thị.
Theo ông Tùng, thực tế đã cho thấy, các ổ dịch bệnh xảy ra thường tập trung ở các khu vực ngõ, hẻm có hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn, mật độ dân cư cao, phức tạp... khả năng phòng chống dịch bệnh yếu hơn rất nhiều so với dân cư sống trên các mặt phố. Việc di chuyển cản ngàn người dân phường Thanh Xuân Trung ở Hà Nội, nơi có nhiều khu nhà ở tập thể cũ nát, chật chội, đông dân đến khu cách ly chỉ trong một ngày đêm vừa qua là một ví dụ.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có tính “lịch sử”.
Ông Tùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đồ án, cho rằng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không chỉ có sức hấp dẫn, mà còn có tính “lịch sử”. Trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô. Còn bây giờ, không gian sông Hồng đã được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm.
Với vị thế ấy, sông Hồng có vai trò quan trọng, tác động đến sự hình thành và phát triển không gian đô thị ở hai bên bờ sông của thành phố này. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài hơn 40 km) với quy mô diện tích 11.000 ha; dân số khoảng 280.000-320.000 người. Dọc hai bên sông thuộc địa phận Hà Nội đều được phát triển khang trang, hiện đại. Cụ thể, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu trên đoạn sông dài 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Theo định hướng, khu vực này sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô.
Dòng sông trở thành xương sống
TS.KTS Trần Minh Tùng, Đại học Xây dựng, cho biết các thành phố trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay dù nhỏ. Điều này tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố. Nghĩa là khi nhắc đến thành phố người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với thành phố đó, và ngược lại khi nhắc đến con sông, người ta cũng sẽ nhớ đến thành phố đó. Như vậy, dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị.
“Rõ ràng, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu, nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một thành phố thực sự là “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, nên chăng thành phố Sông Hồng sẽ là một thành phố của màu xanh bởi nhiều hình thức xanh khác nhau”, ông Tùng đặt vấn đề.
Các khu ở thấp tầng kiểu nhà vườn mà ở đó hẳn nhiên tỷ lệ vườn nhiều hơn tỷ lệ nhà và việc hạn chế số tầng cao sẽ giúp cho thành phố hiện hữu kết nối với dòng sông dễ dàng hơn.Các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch.
Các không gian mở xanh dành cho các hoạt động ngoài trời, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng thành phố.
Các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho thành phố trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng.
Nguyên tắc "Thuận Thiên"
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, chúng ta cần xác định đô thị sông Hồng phải thích ứng với thiên tai, với chế độ thủy văn khắc nghiệt, lũ lụt bất thường và với dịch bệnh Covid-19 để có ứng xử quy hoạch đúng. “Đô thị hai bờ sông Hồng phải là đô thị xanh, đô thị thông minh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật vào trong vận hành và quản trị”, ông Tùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng đã khẳng định quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hướng ra sông, lấy sông Hồng làm trung tâm. Hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, với yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng.
Đây là quy hoạch quan trọng, phải thay đổi cách tiếp cận theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, không chất tải các cao ốc hai bên bờ sông Hồng.
Vì thế, theo ông Tùng, để phù hợp với địa hình, cảnh quan ngoài đê, cần quy hoạch xây dựng làm hai khu vực riêng biệt.
Khu vực phía trong trục đường giao thông chính tiếp cận với đê hiện nay sẽ xây dựng các khu nhà ở cao 5-6 tầng, với tầng 1 để trống (không làm tầng hầm) để không cản trở dòng chảy khi có lũ. Tùy từng khu vực có thể xây một số công trình cao tầng, có kiến trúc đặc biệt để làm điểm nhấn đô thị. Các khu nhà ở 2-3 tầng kiểu nhà vườn, trên cột với tỷ lệ đất cây xanh lớn. Các không gian mở - xanh dành cho những hoạt động ngoài trời kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Các khu nhà ở hiện hữu sẽ được cải tạo chỉnh trang bằng nhiều hình thức để nâng cao chất lượng sống cho cư dân cũ và mới.
Khu vực ngoài trục đường giao thông chính tiếp cận với sông Hồng nên quy hoạch thành khu nông nghiệp sinh thái, như trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh, xen kẽ là một số điểm dân cư.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã ưu tiên phát triển nhanh thị trường bất động sản, nhưng lại rất thiếu đất dành cho không gian xanh, không gian công cộng, bãi đỗ xe. Vì thế, ông Tùng cho rằng đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư.
“Đây cũng là cơ hội để Hà Nội chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn và nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ. Đây là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của thành phố và cảỉ tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội”, ông Tùng cho biết.
Tạo động lực thu hút đầu tư
Theo ông Tùng, đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cở sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông. Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hiện thực hóa đồ án đã được duyệt, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố sông Hồng trong tương lai.
“Nếu được như vậy, chắc chắn trong tương lai gần, thành phố đôi bờ sông Hồng sẽ hiện lên với cảnh quan kiến trúc tuyệt đẹp, với những khu nhà ở, nhà phố, công trình văn hóa công cộng có kiến trúc đặc sắc mang tính thời đại ẩn hiện giữa màu xanh ngút mắt của cây xanh, mặt nước, đem đến môi trường sống trong lành cho người dân”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tin rằng một khi được công bố, quy hoạch này sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư.