Mua sắm qua mạng: Xu thế không thể đảo ngược
Xu hướng bùng nổ của giao dịch qua các mạng xã hội này được thúc đẩy chủ yếu là nhờ người dùng thế hệ Y (sinh từ năm 1980 – 1994) và thế hệ trẻ Z (sinh từ khoảng năm 1995 - 2012) phổ biến trên thế giới hiện nay.
Ảnh minh họa/INT
Hoạt động mua sắm qua mạng xã hội vốn phát triển từ trước khi Covid-19 xuất hiện, nhưng đại dịch những năm qua như chất xúc tác khiến hoạt động này bùng nổ và doanh số sẽ cao gấp 3 lần so với mua sắm qua kênh truyền thống vào năm 2025.
Theo nhóm nghiên cứu thị trường uy tín Accenture, doanh số của thương mại xã hội, tức toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một người từ tìm kiếm sản phẩm, quyết định mua hàng, giao nhận hàng đều thông qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ tăng từ mức 492 tỷ USD năm 2021 lên 1.200 tỷ USD trong vòng ba năm tới.
Xu hướng bùng nổ của giao dịch qua các mạng xã hội này được thúc đẩy chủ yếu là nhờ người dùng thế hệ Y (sinh từ năm 1980 – 1994) và thế hệ trẻ Z (sinh từ khoảng năm 1995 - 2012) phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo dự báo, hai nhóm người dùng mạng xã hội trẻ nhất này sẽ chiếm 62% tổng chi tiêu thương mại điện tử toàn cầu trong những năm tới.
Trong năm 2021, thế giới có khoảng 3,5 tỷ người dùng mạng xã hội với thời gian sử dụng bình quân là 2,5 giờ mỗi ngày. Đây là hệ sinh thái mua sắm có nhiều tiềm năng đang được các nhà sản xuất và bán hàng tận dụng khai thác. Số liệu của nhóm Accenture cho biết thêm, gần 2/3 người dùng được khảo sát (chiếm 64%) cho biết, họ đã mua hàng trên các mạng xã hội như: Facebook, TikTok, WeChat...
Xét về mặt địa lý, thương mại mạng xã hội đã phát triển gần đến mức tối đa tại đất nước tỷ dân Trung Quốc, với khoảng 89% người dùng đã mua sắm qua kênh này. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là thị trường mạng xã hội phát triển về quy mô, nhưng dư địa cho thị trường thương mại xã hội tại Mỹ và Anh sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Brazil lại là những nước ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Theo một chuyên gia của Accenture là Robin Murdoch, đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác khiến thương mại qua mạng xã hội trở thành xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới hiện nay. Ông khẳng định, mạng xã hội đang định hình lại cách mọi người mua và bán và cung cấp cho các thương hiệu những cơ hội mới trong việc tiếp cận người tiêu dùng.
Sự phát triển của thương mại mạng xã hội nói trên chính là ví dụ rõ ràng nhất của nền kinh tế số đang hình thành. Khi đó, các cá nhân, thương hiệu nhỏ cũng đều bình đẳng với doanh nghiệp lớn trong việc bán hàng trên mạng xã hội. Họ có thể dễ dàng tự tạo lập kênh phân phối của riêng mình, điều mà trước đây chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn.
Thậm chí, những cá nhân và doanh nghiệp nhỏ còn có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp lớn trên mạng xã hội. Hơn một nửa số người mua hàng trên mạng xã hội (chiếm 59%) khi được Accenture khảo sát cho biết, họ ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng xã hội hơn là khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử. Đây chính là sự thay đổi nổi bật của thị trường trong những năm tới.
Đại dịch Covid-19 đang kéo dài hơn mọi dự đoán và điều này càng khiến mạng xã hội ngày càng phát triển, khi con người bị giãn cách xã hội và hạn chế gặp mặt ngoài đời thực. Mọi hoạt động của con người dần được đưa lên thế giới ảo trên mạng xã hội và hoạt động mua sắm cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Với các doanh nghiệp và nhà bán hàng thì thế giới ảo sẽ mang lại doanh thu thực và mua bán qua mạng xã hội sẽ định hình lại cả thị trường.