LNG đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững. Nhu cầu sử dụng LNG tại Việt Nam dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm và có thể tăng gấp ba lần vào giữa những năm 2030.
Liquefied Natural Gas – khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được các chuyên gia nhận định là một trong những loại hình năng lượng thay thế cho các nhiên liệu như than đá, dầu mỏ. Với khả năng tạo ra ít khí thải hơn, LNG đã trở thành loại nhiên liệu sạch so với các nhiên liệu truyền thống. Sự chuyển đổi này đang là xu hướng của thế giới, trong đó có cả Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, LNG còn đóng vai trò nền tảng và thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhu cầu sử dụng LNG dự kiến tăng gấp 3 lần
Theo nghiên cứu Wood Mackenzie (công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng có trụ sở tại Anh) cho biết nhu cầu khí đốt của Việt Nam dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm và có thể tăng gấp 3 lần vào giữa những năm 2030.
Việc tiêu thụ khí đốt sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu năng lượng ngày càng cao hơn, từ 08 triệu tấn dầu quy đổi (Mtoe) vào năm 2020 lên 20 Mtoe vào năm 2035. Trong quá trình chuyển đổi này, tỷ trọng than tiêu thụ sẽ giảm 7 Mtoe vào năm 2050. Trong đó, ngành điện sẽ tiếp tục dẫn đầu trong tiêu thụ khí đốt với dự báo nhiên liệu này sẽ đóng góp tới 14% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Tại Hội thảo “Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG): Thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam”, Ông Joshua Ngu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Wood Mackenzie, cho biết việc phát triển điện khí đóng vai trò quan trọng để hạn chế khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện trong tương lai gần, khi sản lượng điện từ than chững lại trong giai đoạn tới. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tiếp tục đối mặt với những thách thức như hiệu suất gián đoạn hay các hạn chế của lưới điện.
“Khí đốt và LNG sẽ là những nguồn nhiên liệu quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững” – ông Joshua Ngu nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia này còn cho rằng nhu cầu LNG tại Việt Nam được dự báo tăng lên khi nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức về sản lượng khí nội địa suy giảm. Các mỏ khí hiện tại, chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung khí nội địa giảm 25% trong 5 năm qua. Trong khi đó, những dự án mới gần đây dự kiến sẽ bổ sung nguồn khí nội địa sau năm 2030 và cũng không đáp ứng đủ cho nhu cầu của nền kinh tế.
Do đó, việc bổ sung nguồn cung LNG là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng trong giai đoạn tới của Việt Nam. Đây cũng là nguồn nhiên liệu quan trọng vì tính đa dạng, sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như điện, đạm và các ngành công nghiệp khác, có nguồn cung dồi dào; phát thải thấp hơn so với dầu, than; giá cả cạnh tranh; có cơ sở hạ tầng, vận chuyển đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ trên toàn cầu.
Cần đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ
Theo các chuyên gia, để có thể nhập khẩu LNG, bù đắp tình trạng thiếu khí đốt, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đất nước thì việc phát triển cơ sở hạ tầng LNG là điều cần thiết và tất yếu.
Bà Yulin Li – chuyên gia nghiên cứu thị trường khí đốt và LNG Đông Nam Á tại Wood Mackenzie cho biết hiện nay Việt Nam chưa có đường ống khí xương sống kết nối 3 miền, đưa khí sản xuất từ miền Trung đến hai đầu Nam và Bắc.
Hiện nay, mạng lưới đường ống chính của Việt Nam tập trung chủ yếu tại phía Nam. Hai kho cảng khí LNG đã được xây dựng tại miền Nam là kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải đang hoạt động và cảng Hải Linh dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Một số công trình kho cảng LNG khác đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang là doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình kinh doanh năng lượng tích hợp, với mục tiêu đưa LNG đến mọi miền tổ quốc thông qua phương thức vận chuyển mới bằng cách thay vì vận chuyển truyền thống bằng đường biển, chuyến LNG tồn trữ trong các ISO Tank đầu tiên được PV GAS vận chuyển bằng đường sắt từ Nam ra Bắc. Đây là phương án kinh doanh mang tính đột phá của PV GAS, giải quyết bài toán cung ứng năng lượng cho thị trường phía Bắc.
Mặt khác, bên cạnh câu chuyện cơ sở hạ tầng, các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện khí LNG hiện tại chưa rõ ràng và chưa đủ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, Bà Yulin Li chia sẻ “để Việt Nam tận dụng triệt để tiềm năng của khí đốt và LNG, cần có một cơ chế năng lượng chuyên biệt để tập trung vào chính sách và quy định về năng lượng. Một khung chính sách mạnh mẽ là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trung và hạ nguồn”.
Thị trường LNG còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về biến động
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện chỉ đang tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào.
“Thiếu hụt trong nguồn cung khí LNG theo hợp đồng, cùng với nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, làm tăng nguy cơ biến động giá ở Việt Nam cũng như nguy cơ mất điện hoặc phân phối khí đốt trong tương lai”, ông Raghav Mathur, Chuyên gia Nghiên cứu và Phân tích lĩnh vực Khí đốt & LNG, Wood Mackenzie cho biết.
Về vấn đề này, các chuyên gia của Wood Mackenzie cũng gợi ý về các cơ chế chính sách cần thiết như đưa ra nhiều ưu đãi hơn để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế nhập khẩu LNG, hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, có cơ chế chuyển giá khí vào giá điện phù hợp, xem xét có hợp đồng mua bán LNG dài hạn để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trước biến động…