Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 11-7-2022
Sáng nay, 6-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay theo đúng thẩm quyền.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính đã rất trách nhiệm trong việc bám sát diễn biến thực tế của tình hình thực hiện các chủ trương chung theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội để có tờ trình ngày hôm nay; được dư luận đánh giá cao.
Thuế bảo vệ môi trường giảm kịch khung với mặt hàng xăng dầu từ ngày 11-7-2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao và quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ 100% thành viên có mặt tán thành.
Cụ thể, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1000 đồng/1 lít đối; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít; Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 300 đồng/1 lít; Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/1lít là mức giá sàn trong khung thuế suất.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022. Điều này có nghĩa ở phiên điều hành giá xăng dầu tiếp theo có thể thực hiện ngay được việc giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm 1.000 đồng/lít trong cơ cấu giá xăng)..
Cùng với mức giảm "kịch khung" biểu thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp.