Doanh nghiệp tỷ đô ngành điện vừa lên sàn HoSE có gì đặc biệt?
EVNGENCO3 – doanh nghiệp sản xuất điện đứng thứ hai cả nước về tổng công suất, với quy mô vốn hóa 2,1 tỷ USD vừa niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.
Ngày 10/2, hơn 1,12 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 39.480 đồng/cổ phiếu.
Tại phiên ATO, giá cổ phiếu PGV xác định giá mở cửa ở mức 44.400 đồng/cổ phiếu. Kết phiên chào sàn HoSE, PGV đóng cửa tại mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, tăng 6,41% so với giá tham chiếu.
Tổng cộng, đã có 182.100 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên chào sàn HoSE, gấp 5,3 lần khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên cuối trên UpCOM. Trước đó, cổ phiếu PGV đã đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM từ năm 2018 sau khi thực hiện cổ phần hóa và chào bán lần đầu ra công chúng.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong 3 tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cổ phần hóa và đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
Với mức vốn hóa thị trường đạt 47.185 tỷ đồng (tương đương 2,1 tỷ USD), EVNGENCO3 đang nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và top 30 doanh nghiệp niêm yết tại HoSE. Đồng thời cũng dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện trên sàn.
Được thành lập vào ngày 1/6/2012 theo quyết định của Bộ Công Thương, hiện EVNGENCO3 đang là nhà sản xuất điện quy mô lớn của Việt Nam với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW, đứng thứ hai cả nước sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Về cơ cấu nguồn điện, EVNGENCO3 sở hữu đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời.
Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW), bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí là Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Các nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương 1 (1.080 MW).
Cùng đó, EVNGENCO3 còn có Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW trên lưu vực sông Srêpốk; nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65 MW) và các công ty con, công ty liên kết sở hữu nhà máy nhiệt điện, thủy điện công suất lớn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị này định hướng phát triển năng lượng sạch trong tương lai như đẩy mạnh hợp tác đầu tư các dự án nhà máy điện sử dụng LNG cũng như triển khai mua LNG cho các nhà máy điện Phú Mỹ ở thời điểm phù hợp; xúc tiến triển khai đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời hybrid (kết hợp với thủy điện) sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.
Bên cạnh việc duy trì lợi ích cho các cổ đông hiện nay, trong kế hoạch tái cơ cấu sắp tới, sẽ giảm tỉ lệ sở hữu của EVN tại EVNGENCO3 (hiện tỉ lệ sở hữu của EVN tại EVNGENCO3 là 99,19%) để thu hút thêm các nhà đầu tư mới, giúp hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cao hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, việc chuyển giao dịch sang sàn HoSE ngoài đòi hỏi EVNGENCO3 phải minh bạch hơn, quản trị công ty tốt hơn còn đặt ra yêu cầu phát triển công ty lớn mạnh hơn, hoạt động hiệu quả.
Năm 2021, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ đạt trên 25,9 tỷ kWh, tương đương, với mỗi 100 kWh điện phát ra tại Việt Nam có hơn 10 kWh từ công ty mẹ EVNGENCO3.
Trong báo cáo tài chính năm 2021 được công bố, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.695 tỷ đồng, giảm 6,6% so với năm 2020. Dù thu hẹp quy mô doanh thu do không được huy động điện cao, doanh nghiệp lại tiết kiệm được đáng kể chi phí, chi phí lãi vay giảm mạnh và hưởng lợi lớn từ biến động tỷ giá trên thị trường.
Cụ thể, EVNGENCO3 ghi nhận lãi chênh lệch tỉ giá trong năm qua lên tới gần 996 tỷ đồng. Đồng thời lỗ lênh lệch tỉ giá giảm mạnh từ 401 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty đạt 3.133,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 73% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 3.096 tỷ đồng - vượt đến 139% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của EVNGENCO3.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của EVNGENCO3 ở mức 69.262 tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản đang nằm ở tài sản cố định (các nhà máy điện) với giá trị sau khấu hao tại ngày 31/12 gần 43.879 tỷ đồng.
Các khoản nợ vay ngân hàng đến cuối năm chỉ còn 44.656 tỷ đồng, giảm 12% so với thời điểm đầu năm. Tỉ trọng nợ trên tổng nguồn vốn đạt 64,5%; giảm mạnh so với mức 69,7% hồi đầu năm.
Dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% nhờ tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhiều bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán đánh giá sản lượng tiêu thụ điện trở lại tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Theo đó, doanh thu nhóm doanh nghiệp điện được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng.