Các ngân hàng trung ương rục rịch tăng lãi suất

Giá hàng hóa, nguyên liệu chủ chốt đã chững lại, nhưng theo giới phân tích, các ngân hàng trung ương sẽ tính toán tăng lãi suất, kiểm soát lạm phát.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, loạt hàng hoá nguyên vật liệu chủ chốt như dầu thô, kim loại... giảm giá sâu trong tuần qua. Chẳng hạn, dầu Brent mất 20% giá trị so với hồi tháng 6, về mức hơn 94 USD một thùng. Dầu thô WTI cũng giảm hơn 3% trong phiên giao dịch 2/9, về 86,6 USD mỗi thùng.

Cùng đó, giá các nguyên liệu khác như bột mì, kim loại... cũng giảm 9-10%, giúp giảm bớt áp lực giá đầu vào sản xuất. Song diễn biến này chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục của các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ... Ngược lại, người tiêu dùng các quốc gia khu vực này đang dần thay đổi thói quen mua sắm khi hạn chế chi cho các nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng.

Thậm chí, giới phân tích dự báo người dân khu vực EU sẽ phải đối diện với "mùa đông ảm đạm" khi giá năng lượng leo thang. Còn tại châu Á, Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chính sách zero Covid và cuộc khủng hoảng từ thị trường bất động sản.

Kinh tế trưởng của JPMorgan Bruce Kasman cho rằng các ngân hàng Trung ương vẫn sẽ tính toán, đưa ra các quyết định tăng lãi suất, kiểm soát lạm phát.

FED tính toán nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Reuters

FED tính toán nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang dự kiến có đợt điều chỉnh lãi suất lần nữa vào tháng 9, sau các số liệu CPI của EU không mấy khả quan, lên tới 9,8%. Chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với tình trạng khủng hoảng năng lượng đã khiến chính phủ nhiều nước châu Âu lo lắng.

Với Mỹ, quyết tâm siết chặt tiền tệ được Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hé lộ tại hội nghị thường niên Jackson Hole, diễn ra tuần trước. Ông Powell để ngỏ khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong thời gian tới, nhằm kiểm soát lạm phát đang tăng cao nhất 40 năm qua tại nước này.

"Bình ổn giá cả là nền tảng của nền kinh tế". "Trách nhiệm của chúng tôi là ổn định giá cả một cách vô điều kiện", ông nói.

Thậm chí, Anna Wong, Kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics, còn dự báo Fed có thể nâng lãi suất lên 5% để giải quyết bài toán lạm phát.

Lạm phát đang là nỗi ám ảnh của người dân toàn cầu. Lạm phát khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 8 là 9,1%, theo số liệu nhanh từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat). Trong khi đó, giá USD đã tăng lên mức cao nhất 20 năm qua.

Việc ngân hàng trung ương các nước cố gắng ngăn chặn sự suy thoái, theo giới phân tích, sẽ tạo ra một sự dịch chuyển nhất định, song họ cho rằng "kỷ nguyên lạm phát thấp như trước đại dịch đã qua".

Nguồn:Theo Bloomberg Sao chép liên kết
Tin liên quan