Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương đã đề nghị giữ nguyên đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá tham chiếu từ cơ quan có thẩm quyền.

 

Nhân viên bán xăng cho khách tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Tại hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã đề nghị giữ nguyên đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá tham chiếu từ cơ quan có thẩm quyền. Thay vào đó, doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này, riêng tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo được cộng thêm 2%.

Tuy nhiên, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.

Việc thay đổi này, theo Bộ Công Thương xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua "quá nhiều bước", thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, thay vào đó trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý Nhà nước công bố rồi thực hiện theo.

Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể là: Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp…

Xăng dầu là một trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên cần có cơ chế quản lý nhằm thực hiện Nghị quyết nêu trên, Dự thảo Nghị định quy định Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp mặt bằng giá thị trường biến động bất thường, tác động lớn đến kinh tế - xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh), Bộ Công Thương, Tài chính và các bên liên quan báo cáo Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ quan quản lý cũng đưa ra giải pháp kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Thời gian công bố giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium.

Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các thương nhân bán xăng dầu tại địa bàn này được quyết định giá bán lẻ xăng dầu tăng thêm tối đa không vượt quá 2% giá bán xăng dầu theo công thức quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán xăng dầu với nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.

Nguồn:Theo Bnews Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51