Top 10 thành phố thông minh, tiết kiệm năng lượng trên thế giới
Sau COP28 tại Dubai, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã tái khẳng định vai trò quan trọng của các thành phố thông minh trong việc giảm mức tiêu thụ năng lượng đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ, cải thiện sự ổn định của lưới điện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là 10 ví dụ điển hình về các thành phố thông minh trên khắp các châu lục và đóng góp tích cực cho bức tranh năng lượng.
1. Canberra, Úc
Canberra đang nhanh chóng phát triển thành một thành phố kỹ thuật số thông minh và kết nối với các kế hoạch điện khí hóa 100% trên toàn thành phố vào năm 2045. Thành phố có mức độ áp dụng xe điện EV cao, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Thành phố tích hợp các công nghệ lưới điện thông minh, thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và củng cố cơ sở hạ tầng xe điện để hỗ trợ việc sử dụng, giảm lượng khí thải carbon, phát triển bền vững.
2. Copenhagen, Đan Mạch
Copenhagen đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2025, với các sáng kiến thành phố thông minh tập trung vào các vấn đề môi trường liên quan đến cam kết này. Thành phố có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào, tích hợp lưới điện thông minh và thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, đồng thời tập trung vào các chính sách tiên phong về môi trường.
Copenhagen đang mở đường cho công nghệ xe điện EV, với nền tảng tập trung để kết nối đèn giao thông, điểm sạc EV và đồng hồ đo thông minh. Hệ thống sưởi ấm khu vực và quy hoạch đô thị bền vững của thành phố tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.
3. Washington DC, Mỹ
Washington DC đang tiến tới trở thành thành phố thông minh. Thành phố cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2032 bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời, nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và triển khai công nghệ lưới điện thông minh. Hiện tại, thành phố đang chuyển sang sử dụng công nghệ LED tiết kiệm năng lượng trên 75.000 đèn đường với khả năng giám sát và điều khiển từ xa để giảm mức tiêu thụ điện năng và tối ưu hóa hoạt động.
4. Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Dubai ưu tiên năng lượng tái tạo và đang hướng tới mục tiêu đạt 75% năng lượng sạch vào năm 2050. Thành phố tích hợp lưới điện thông minh, thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và phát triển các dự án đô thị bền vững như Công viên năng lượng mặt trời Dubai, tăng cường quản lý năng lượng và giảm tác động đến môi trường.
Dubai
5. Tokyo, Nhật Bản
Tokyo có hệ thống quản lý giao thông tiên tiến và các quy định tiên phong về xây dựng tiết kiệm năng lượng. Tokyo đang đầu tư mạnh hướng tới mục tiêu giảm 80% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang phát triển một loạt các dự án hướng đến sự bền vững như hệ thống giao thông carbon thấp và các giải pháp năng lượng tái tạo...
6. Amsterdam, Hà Lan
Amsterdam bắt đầu hành trình trở thành một thành phố thông minh từ năm 2009. Thành phố cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 và có hơn 4.800 trạm sạc EV, bao gồm cả bộ sạc nhanh, rải rác khắp nơi. Ngoài việc khuyến khích sử dụng xe điện EV, Amsterdam đã triển khai lưới điện thông minh và sản xuất năng lượng phi tập trung. Thành phố cũng có nhiều sáng kiến về xây dựng bền vững và mái nhà xanh để bù đắp lượng khí thải.
7. Paris, Pháp
Paris đã củng cố vị thế thành phố thông minh hàng đầu nhờ các hệ thống quản lý giao thông sáng tạo và mạng lưới cảm biến được đặt khắp thành phố để giúp theo dõi mức độ tiếng ồn, chất lượng không khí và nhiều yếu tố môi trường khác. Cùng với đó là chương trình Paris Respire —Paris Breathes thực thi các khu vực cấm ô tô ở một số khu vực của thành phố vào các ngày cuối tuần và ngày lễ. Khu vực Greater Paris đang trong hành trình chuyển đổi giao thông sạch với việc áp dụng xe buýt điện và cơ sở hạ tầng sạc đang được triển khai.
Paris
8. New York, Mỹ
New York là một thành phố thông minh sáng tạo sử dụng 5G và IoT để hỗ trợ chiến lược phát thải ròng bằng 0 của thành phố, cho phép sử dụng xe điện nhiều hơn và giám sát CO2 nhờ các cảm biến chất lượng không khí. Các cam kết về năng lượng của New York được hỗ trợ bởi các sáng kiến như NYC Carbon Challenge, lưới điện thông minh và các hệ thống quang điện rộng khắp.
9. London, Vương quốc Anh
Là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới với cơ sở hạ tầng xanh gồm mái nhà xanh, khả năng tiếp cận không gian xanh ngoài trời cũng như các tòa nhà được chứng nhận xanh và các điểm sạc EV công cộng... Tầm nhìn London sẽ trở thành thành phố không phát thải carbon vào năm 2030, được hỗ trợ bởi các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, phương tiện giao thông sạch và năng lượng sạch.
London
10. Singapore
Singapore từ lâu đã được coi là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới. Các công nghệ thông minh đã được tích hợp trên khắp các ngôi nhà của đất nước và đến năm 2022, chính phủ Singapore đang nỗ lực hướng tới việc trang bị hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên tất cả các tuyến đường công cộng và lắp đặt tấm quang điện mặt trời trên mái nhà của ít nhất 6.000 tòa nhà.
Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai lưới điện thông minh, triển khai năng lượng mặt trời rộng rãi và các tiêu chuẩn xây dựng xanh. Sáng kiến này tận dụng IoT để quản lý năng lượng hiệu quả và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo để tăng cường tính bền vững và giảm phát thải carbon, cũng như cho phép triển khai ngày càng nhiều xe điện.