Nhà máy điện khí thải nóng ngoài khơi đầu tiên trên thế giới
Nhà máy mới tận dụng khí nóng thải ra từ quá trình hoạt động của giàn khoan dầu khí ngoài khơi để sản xuất điện, giúp giảm lượng carbon.
Nhà máy điện nhiệt khí thải ngoài khơi công suất 5 MW đầu tiên trên thế giới tại thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, ngày 13/8. Ảnh: CMG
Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo đã bàn giao thành công nhà máy sản xuất điện từ khí thải nóng ngoài khơi công suất 5 MW tại Thiên Tân, một thành tựu lớn giúp tận dụng nhiệt khí thải để tạo ra năng lượng, Interesting Engineering hôm 16/8 đưa tin. Nhà máy sẽ hoạt động trong dự án phát triển mỏ dầu Wenchang 9-7.
CNOOC cho biết, trước đây chưa có phương pháp nào được hoàn thiện để tận dụng nhiệt từ khí thải nóng ngoài khơi, dù tại Trung Quốc hay trên thế giới. Nhà máy mới là một bước đột phá công nghệ quan trọng trong hoạt động khai thác dầu khí trên biển.
Thông thường, giàn khoan ngoài khơi sẽ có trạm phát điện, hoạt động như "trái tim" của giàn khoan bằng cách đốt cháy dầu khí và tạo ra điện. Tuy nhiên, quá trình này tạo ra một lượng lớn khí thải nóng, trở thành một trong những nguồn phát thải carbon chính của các hoạt động dầu khí ngoài khơi. Nhà máy mới tận dụng lượng khí thải nóng này làm nguồn nhiệt, chuyển đổi nhiệt thải thành năng lượng.
So với trước đây, việc lắp đặt nhà máy mới có thể tăng khả năng khai thác nhiệt thải của trạm phát điện lên 60 - 70%. Hiệu suất năng lượng tổng thể của trạm phát điện dự kiến tăng 7%, nhờ đó giảm mức tiêu tốn dầu thô và khí tự nhiên tại các mỏ dầu khí ngoài khơi, theo An Weizheng, kỹ sư trưởng về cơ khí và thiết bị điện tại Phòng Thiết kế và Nghiên cứu Kỹ thuật thuộc Viện Nghiên cứu CNOOC.
Khi đi vào hoạt động, sản lượng phát điện từ nhiệt thải hàng năm của nhà máy có thể đạt 40 triệu kWh, đủ đáp ứng nhu cầu hàng năm của 30.000 hộ gia đình. Nhà máy dự kiến cũng giúp tiết kiệm khoảng 300 triệu m3 khí tự nhiên trong 20 năm, và giảm phát thải khoảng 800.000 tấn CO2, tương đương với việc trồng 7,5 triệu cây.