COP21: Mục tiêu 100 % năng lượng xanh

Thông thường các hội nghị quốc tế về khí hậu chỉ tập trung nói về các vấn đề môi trường. COP21 phá lệ, lần đầu tiên dành cho hồ sơ năng lượng một vị trí trung tâm.

 

Ngày 07/12/2015 tại Le Bourget, nhiều cuộc hội thảo bên lề chương trình chính thức tập trung vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Quốc tế khởi động dự án trị giá 10 tỷ đô la giúp Châu Phi khai thác địa nhiệt, cung cấp điện cho 600 triệu dân. 

 

Ngành công nghiệp năng lượng thải ra đến gần 2/3 CO2 toàn cầu, chủ yếu từ các hoạt động khai thác năng lượng hóa thạch – dầu hỏa, khí đốt và than đá. Trong khuôn khổ COP21, nhiều sáng kiến được đưa ra để đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo.

Khu đặt pin mặt trời tại Cestas, tây nam Pháp, lớn nhất Châu Âu, phủ trên diện tích 2,5km2, sản xuất 300 MWc.

36 quốc gia đã khởi động dự án mang tên "Liên minh Quốc tế cùng phát triển địa nhiệt". Hiện tại, 90 nước có được nguồn năng lượng quý giá này, nhưng mới chỉ có 24 trong số đó có phương tiện khai thác hơi nóng trong lòng đất để sưởi hay sản xuất điện cho các hộ gia đình. Mục tiêu của đề án là nhân lên gấp ba công suất của loại năng lượng tự nhiên này vào năm 2030 so với hiện tại. Tới nay, các đối tác chính ủng hộ dự án đã huy động được 10 tỷ đô la cho Châu Phi.

 

Một sáng kiến khác được đem tới COP21 là vào tuần trước, 1000 thành phố trên thế giới đã thông báo chỉ tiêu đến năm 2050, toàn bộ năng lượng của các thành phố này phải là năng lượng tái tạo.

 

Về phần các tập đoàn công nghiệp, những hãng lớn được công chúng biết đến rộng rãi như tập đoàn xe hơi Đức BMW hay hãng nước ngọt Coca Cola đã cùng với 47 công ty tên tuổi khác trên thế giới thông báo từng bước quay lưng lại với năng lượng hóa thạch để sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm cho môi trường.Nhà tỷ phú người Mỹ Bill Gates đã lôi kéo được các đại gia trong ngành công nghệ tin học vào dự án phát triển năng lượng sạch "Breakthrough Energy Coalition".

 

Những thông báo trên không phải là tin vui đối với các nước sản xuất dầu hỏa. Dù vậy, cho tới nay, trong bản dự thảo hiệp định khí hậu Paris, cụm từ "năng lượng tái tạo" hoàn toàn vắng bóng.

 

Theo: RFI/ REUTERS

Tác giả: Theo: RFI/ REUTERS
Tin liên quan