Thực hiện các dự án lưới điện cấp bách: Không bắc nước chờ gạo

Không có dự án lưới điện truyền tải nào đi qua vùng đồng bằng mà không vướng về đền bù, giải phóng mặt bằng và đây cũng chính là nguyên nhân gây nên sự chậm trễ trong thi công công trình.

Bốn dự án lưới điện cấp bách: Đường dây 500 kV Duyên Hải-Mỹ Tho, Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho và đấu nối, đường dây 220kV Cầu Bông-Hóc Môn- nhánh rẽ Bình Tân và Cầu Bông-Đức Hòa đang được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai ở miền Tây Nam bộ cũng không nằm ngoài khó khăn trên.

 Tuy nhiên, với trách nhiệm Chủ đầu tư, lãnh đạo EVNNPT đã sát cánh cùng Ban QLDA các công trình điện miền Nam, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để bám sát tiến độ, không “bắc nước chờ gạo”.

Theo Ban QLDA các công trình điện miền Nam, ở dự án công trình đường dây 500 kV Nhiệt điện Duyên Hải-Mỹ Tho khởi công từ tháng 6-2014 hiện còn vướng đền bù ở vị trí 128 thuộc huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), đơn vị thi công đã đúc bê thông lót từ năm 2014, nhưng chủ đất đã ngăn cản không cho thi công tiếp do chưa đồng ý giá đền bù theo đơn giá bồi thường đất ruộng, mà yêu cầu được đền bù theo đơn giá đất thổ cư (mặc dù trên thực tế là đất ruộng).

Trạm biến áp 500/220 kV Mỹ Tho và đấu nối có tổng công suất 2x900 MVA, giai đoạn 1 thi công lắp 1 máy biến áp 900 MVA (tổ hợp 03 tổ máy đơn pha 300 MVA) và xây dựng hơn 4 km đường dây đấu nối 500 kV và 220 kV (đấu nối thông qua đường dây  500 kV Nhà Bè - Ô Môn, đường dây 220 kV Phú Lâm - Cai Lậy 1, 2 và đường dây 220 kV Phú Mỹ - Cai Lậy), thi công tháng 12-2013, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đang thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị, hoàn thiện và thi công hệ thống PCCC; phần đấu nối đã thi công móng xong 19/20 vị trí, dựng cột xong 14 vị trí, vị trí còn lại chờ cắt điện để tiếp tục thi công phần dựng cột.

 

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường kiểm tra tiến độ thi công đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho vị trí kéo dây vượt đường do Công ty CP Sông Đà 11 thực hiện. Ảnh: Icon.com.vn

Do tính cấp bách và tầm quan trọng của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện về việc giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các công trình đường dây 220 kV đấu nối sau trạm biến áp 500 kV Cầu Bông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu  Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các Sở, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về khảo sát, thẩm định, phê duyệt giá bồi thường; phê duyệt chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp trong hành lang an toàn và phương án bồi thường của các dự án đường dây 220 kV.

Qua thực tế triển khai các dự án lưới điện truyền tải, lãnh đạo EVNNPT đã xác định được sự chậm trễ của việc thi công các dự án lưới điện (nếu có) đều xuất phát từ những bất cập trong chính sách về đất đai giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với trung ương còn chưa đồng bộ nhất là trong lĩnh vực đền bù giải tỏa khi người dân bị thu hồi đất. Cơ quan có thẩm quyền quy định về giá đất lại thường xuyên thay đổi nâng giá theo quy luật, theo thời gian và giá biến động ngoài thị trường làm cho tình trạng giá đất không ổn định.

 Được biết, giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra so với giá thị trường còn chênh lệch quá lớn, giá thực tế ở nhiều khu vực cao hơn nhiều so với giá quy định của Nhà nước. Cũng như vậy, giá đền bù tài sản trên đất chênh lệch quá cao giữa bên đền bù và bên được đền bù. Điều này đã trở thành lực cản lớn trong thỏa thuận với người dân.

Đơn cử, vị trí móng cột 196 nằm ngay bên bờ sông Tiền, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng khi được giá, lên đến 100 nghìn đồng/kg, trong khi riêng một vị trí móng cột, đơn vị thi công đã phải chặt từ 188-190 gốc sầu riêng. Theo người dân cho biết, do áp dụng khoa học kỹ thuật, nên trồng cây sầu riêng được thu hoạch quanh năm, mỗi gốc sầu riêng thu hoạch được khoảng 10 triệu đồng/năm. Vì vậy, các hộ dân yêu cầu được bồi thường từ 12-15 triệu/ cây, trong khi đó đơn giá quy định chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/cây. Theo báo cáo, Dự án lưới điện này có 18 vị trí cột đi qua vườn sầu riêng.

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường đã yêu cầu Ban QLDA các công trình điện miền Nam, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát phải xác định  những khó khăn để phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương còn vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng.

 Trong thời gian chờ chính quyền các địa phương có biện pháp hữu hiệu, các đơn vị phải tranh thủ thời điểm cắt điện để tập trung thi công những phần vị trí chưa thi công được do ảnh hưởng từ các đường dây đang mang tải. Công ty Truyền tải điện 4 phải sẵn sàng để tiếp nhận TBA và các đường dây để khi các công trình hoàn thành sẽ đưa ngay vào vận hành.

Các đơn vị từ Ban QLDA đến đơn vị thi công phải khắc phục khó khăn để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính chất cấp bách của các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo icon.com.vn

Tác giả: Theo icon.com.vn
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51