Phát triển điện hạt nhân: Chuẩn bị kỹ để không bị động
Chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) và các công ty thành viên, với tư cách nhà thầu chính đã có nhiều bước chuẩn bị, từ hỗ trợ đào tạo nhân lực, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật… tới công tác tuyên truyền.
ROSATOM cũng công bố một số danh mục các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, tiến tới chuẩn bị cho khả năng tham gia vào quá trình xây dựng một công trình quy mô lớn.
Có thể nội địa hóa tới 40%
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, các công ty cung ứng vật tư, nhân lực... trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận quan tâm đến việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Đông Nam Á mà còn có một số doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Lào. Họ coi đây là cơ hội học hỏi kinh nghiệm khi tham gia vào một siêu dự án, đồng thời phát triển quan hệ đối tác kinh doanh.

Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế của ROSATOM cho biết, ĐHN là lĩnh vực mới, song các công ty lớn của Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện những dự án nhiệt điện, thủy điện lớn đều có thể đủ điều kiện ban đầu để tham gia. Kinh nghiệm ở Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa có thể lên tới khoảng 30-40%. Các công ty được chọn làm thầu phụ sẽ phải trải qua quá trình tập huấn và đầu tư một nguồn tài chính nhất định. Quy trình đấu thầu sẽ được ROSATOM đưa lên mạng và thực hiện công khai, minh bạch nhằm bảo đảm yêu cầu an toàn chất lượng.
Đông Nam Á đang "nhìn" vào Việt Nam
Theo ông Ian Hore-Lacy, chuyên gia cấp cao của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA): Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và nhu cầu năng lượng tăng rất nhanh. Việt Nam cần bảo đảm yếu tố hiệu quả cho chi phí phát triển. Vì thế, năng lượng hạt nhân là lựa chọn rất tốt vì Việt Nam đang tiêu thụ nhiều dầu khí và than, trong khi giá dầu khí sẽ đắt hơn trong những năm tới. Năng lượng hạt nhân là giải pháp bảo đảm, đáng tin cậy và hợp lý để đáp ứng nhu cầu điện năng. Đó cũng là cách đa dạng hóa nguồn cung điện.
Ông Nikolay Drozdov cho biết thêm, một số quốc gia trong khối ASEAN có kế hoạch phát triển ĐHN trong tương lai gần như Thái Lan, Indonesia... hiện rất quan tâm đến kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN của Việt Nam. ''Indonesia cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển ĐHN trong tương lai nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Hiện chúng tôi đã quy hoạch được ba khu vực có thể xây dựng các nhà máy ĐHN. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia đi tiên phong trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình" - ông Yarianto Budi Susilo (Cục Năng lượng hạt nhân Indonesia) cho biết.
Theo kế hoạch đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt năm 2009, vào cuối năm 2014, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, quá trình này sẽ phải lùi lại nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Gần đây, kế hoạch phát triển ĐHN của nhiều nước thường cũng bị chậm so với kế hoạch. Do đó, việc điều chỉnh lại kế hoạch xây dựng, điều chỉnh địa điểm tiến sâu vào đất liền đối với Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 cũng là một quyết định bình thường và có trách nhiệm. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng pháp lý thật kỹ lưỡng ngay từ bây giờ là không thừa.
Theo:icon.com.vn