Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp
Ông Quách Lâm Thái, Trưởng Ban Quản lý dự án, Công ty Ðiện lực Cà Mau, cho biết, ngành Điện đang khởi công xây dựng dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 3 (DPL3) với tổng mức đầu tư trên 216,3 tỷ đồng.
.jpg)
Quy mô xây dựng bao gồm nâng cấp và kéo mới 728.137 m đường dây trung áp, hạ áp, lắp đặt mới 142 trạm biến áp và nâng cấp 332 trạm với tổng dung lượng suất trên 33.039 kVA, phục vụ cho khoảng 3.000 hộ nuôi tôm công nghiệp trong các vùng quy hoạch.
Ông Thái cho biết thêm, để dự án xây dựng hoàn thành và đưa vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân đúng tiến độ và trước ngày 7/3/2016, Ban Quản lý chia dự án thành 4 gói thầu nhỏ để thi công nhanh. Tính đến hết ngày 11/11/2015, đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và cắm được 2.124 trụ, đang tiến hành kéo dây và lắp đặt các công trình phụ khác, ước thực hiện hoàn thành khoảng 30% khối lượng công trình. Các công trình sau khi thi công hoàn thành sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chi phí sản xuất của người dân giảm, lợi nhuận tăng.
Huyện Cái Nước là một trong những huyện nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Ðức, một hộ nuôi tôm công nghiệp ở ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, cho biết, do cùng lúc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp quá nhanh, nguồn điện thiếu hụt, người nuôi tôm phải tự trang bị thêm máy nổ chạy dầu tốn chi phí, lợi nhuận bấp bênh. Theo tính toán của ông Ðức, chi phí chạy bằng mô-tơ điện giảm đến hơn 50% so với chạy máy nổ. Ðây là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Ông Ðoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, cho biết, phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp phát triển ngoài vùng quy hoạch, đều sử dụng điện sinh hoạt đưa vào sản xuất. Do đó, điện áp không ổn định, thường xuyên xảy xa tình trạng quá tải cục bộ, nhất là vào thời vụ nuôi chính. Việc đầu tư, phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp là bước đi chủ động, góp phần thúc đẩy nuôi trồng thuỷ sản phát triển.
Trúc Ly