Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp: Còn lắm gian truân

“Những năm qua, tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) ngày càng gia tăng, khó kiểm soát. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng vận hành đường dây (ĐZ) mà còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người dân, làm gián đoạn truyền tải điện, gây bất ổn về kinh tế - chính trị khi có sự cố lưới điện xảy ra”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Thịnh - Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc (NGC)

Nỗ lực bảo vệ đường dây

 

Thống kê của NGC cho biết, năm 2014, lưới điện 110 kV do công ty quản lý đã xảy ra trên 50 vụ sự cố do các hành vi như: Xây dựng, thi công công trình trong và ngoài hành lang, chặt cây đổ vào ĐZ, thả diều, câu cá vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố lưới điện. Từ đầu năm 2015 đến nay cũng đã xảy ra 37 vụ vi phạm. Đặc biệt, tại lưới 110 kV do Chi nhánh Lưới điện Cao thế Bắc Ninh quản lý hiện còn tồn tại 49 công trình vi phạm, chiếm khoảng 40% số vụ vi phạm trong toàn công ty. Trong đó, điểm nóng vi phạm là khu vực chợ gỗ tại xã Hương Mạc - Từ Sơn - Bắc Ninh. Năm 2013, Công ty Thiên Đức đã san lấp mặt bằng khu đất nằm dưới hành lang đường điện 110 kV để xây lều lán mở xưởng, dựng cửa hàng cho người dân thuê kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Hiện cả Hương Mạc có 9 gia đình vi phạm nghiêm trọng HLATLĐCA.

 

Theo NGC, nguyên nhân của các vụ việc vi phạm trên là do chính quyền địa phương chưa thực sự hỗ trợ, vào cuộc cùng đơn vị quản lý lưới điện để ngăn chặn, xử lý các điểm vi phạm. Vì vậy, việc phối hợp xử lý vi phạm rất khó khăn, nhiều vụ việc phát hiện từ lúc chủ công trình khởi công xây dựng, công ty đã lập thông báo vi phạm gửi chính quyền sở tại và yêu cầu dừng thi công nhưng không được xử lý kịp thời, dẫn đến các chủ công trình vẫn tiếp tục thi công. Đó là chưa kể có nơi, chính quyền và chủ công trình vi phạm còn thỏa thuận ngầm, khi đơn vị quản lý thông báo làm việc trực tiếp thì chính quyền và chủ công trình còn quanh co không hợp tác.

 

Thay các dây lèo AC 300 tại Yên Bái

 

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý các công trình xây dựng không có giấy phép, nhất là các công trình vi phạm HLATLĐCA. Đồng thời, hành lang bảo vệ an toàn đã được quy định nhưng nhiều địa phương vẫn cấp quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình trong hành lang. Từ đó, các hộ dân, doanh nghiệp đã gây khó khăn trong việc quản lý vận hành và đã có nhiều trường hợp tai nạn điện xảy ra do người dân thiếu hiểu biết, không thông báo và thống nhất biện pháp kỹ thuật an toàn với đơn vị quản lý vận hành theo quy định của pháp luật…

 

Còn nhiều gian truân

 

Hiện NGC được giao quản lý ĐZ 110 kV với tổng chiều dài khoảng 7.000 km. Đa số các ĐZ được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong đó có nhiều ĐZ đã xây dựng được 50 năm nên việc sửa chữa vận hành gặp nhiều khó khăn.

 

Để bảo đảm tốt mục tiêu vận hành ổn định - truyền tải liên tục, bên cạnh công tác bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ, xử lý sự cố nhanh chóng, chính xác, thì công tác bảo vệ HLATLĐCA luôn được NGC đặt lên hàng đầu. Hàng năm, NGC đều tổ chức in tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ HLATLĐCA phân phát cho các hộ dân sống xung quanh, gần đường dây 110 kV đi qua. Tổ chức tuyên truyền qua loa đài phát thanh của phường, xã, trường học… Mời đài truyền hình địa phương đưa tin về các hoạt động của công ty cũng như các chi nhánh nhằm tuyên truyền về an toàn điện, tai nạn điện trong dân…

 

Công tác bảo vệ HLATLĐCA còn hết sức nặng nề và gian truân, nhưng với những giải pháp trên, bước đầu NGC đã cùng chính quyền các địa phương xử lý dứt điểm nhiều đơn thư khiếu kiện; giải quyết các vụ vi phạm hành lang kéo dài qua nhiều thời kỳ; cải tạo lưới điện. Vận động người dân di dời các công trình ra khỏi hành lang 43 vụ (năm 2013 giảm được 10 vụ, 2014 giảm 29 vụ, năm 2015 giảm 4 vụ), ngăn chặn và xử lý không để phát sinh các vụ vi phạm.

 

Theo Báo Công thương

Tác giả: Theo Báo Công thương
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51