Xuất bản điện tử giúp phổ biến tri thức rộng hơn

Khi có thêm nhiều phiên bản sách với cách tiếp cận thuận tiện, việc phổ biến, lan tỏa tri thức đến người dân sẽ dễ dàng hơn.

Với vai trò sáng lập và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn”, nhiều năm nay, anh Nguyễn Quang Thạch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa đọc ở các nước phát triển và mong muốn đưa sách đến trẻ em vùng nông thôn. Anh Thạch cho biết từ hàng trăm năm nay, Mỹ, Nhật Bản hay một số quốc gia Tây Âu đã sở hữu nền văn hóa đọc nổi trội.

“Các quốc gia đó đang dùng nền tảng số để phát triển hơn nữa văn hóa đọc cho người dân thông qua nhiều ứng dụng công nghệ”, anh Thạch nói.

Mong muốn đưa các xuất bản phẩm điện tử đến rộng rãi bạn đọc trong nước cũng được nhiều người làm công tác phát triển văn hóa đọc chú trọng vì cho rằng khi thêm định dạng sách, độc giả sẽ có nhiều cách tiếp cận tri thức hơn.

xuat ban dien tu anh 1

Xuất bản điện tử giúp độc giả có nhiều lựa chọn hơn. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Thêm lựa chọn cho bạn đọc

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM - xuất bản điện tử giúp khuyến khích người Việt đọc sách nhiều hơn. Phương thức xuất bản này sẽ cho ra đời nhiều tựa sách ở phiên bản ebook, audio book hay multimedia.

Sách multimedia (tích hợp chữ viết, hình ảnh và âm thanh) sẽ hấp dẫn độc giả, giúp họ kết hợp nghe - đọc cùng một lúc. Ông Lê Hoàng nhận định rằng phiên bản này sẽ thu hút đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Các em nhờ thế mà có thể từ bỏ ipad hay những trò giải trí tiêu khiển khác để tìm đến thế giới sách nhiều hơn.

Tuy nhiên, tiến hành xuất bản điện tử cũng cần sự đầu tư, chú trọng trong việc xây dựng nền tảng công nghệ. “Nếu từng đơn vị riêng lẻ triển khai sẽ gặp những mặt giới hạn nhất định. Cần có một sàn chung, nơi quy tụ xuất bản phẩm điện tử để độc giả có nhiều lựa chọn và dễ dàng tìm kiếm tựa sách cũng như định dạng sách theo nhu cầu”, ông Lê Hoàng nêu quan điểm.

Nhìn nhận được tính tiện ích của xuất bản phẩm điện tử, anh Nguyễn Quang Thạch - “cha đẻ” của chương trình “Sách hóa nông thôn” - cho rằng nếu ngành sách trong nước đẩy mạnh xuất bản điện tử, chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc khuyến khích thói quen đọc sách của người dân.

“Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, mỗi người có thể đọc hàng trăm cuốn sách tùy theo nhu cầu. Điều này đem lại hiệu quả cao trong việc thực hiện mục tiêu phổ biến tri thức đến mọi thành viên trong xã hội”, anh Thạch nói.

Người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là thư viện trường học như bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - cũng đánh giá xuất bản điện tử sẽ làm tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm mà cụ thể ở đây là sách.

Theo bà Kim Thoa, trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, có những cuốn sách ở phiên bản điện tử (ebook, audio book, multimedia…) sẽ rất thuận tiện cho độc giả.

Hiện nay, tỷ lệ các xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam còn rất hạn chế. Với việc giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển cho các đơn vị xuất bản, đồng thời tiết kiệm tiền bạc và thời gian đi lại để mua sách trực tiếp của độc giả, xuất bản điện tử sẽ gặp nhiều lợi thế hơn xuất bản truyền thống.

“Không thể phủ nhận được rằng về mặt cảm xúc, sách giấy đang là lựa chọn ưu tiên của những người yêu sách. Cầm cuốn sách, lật mở từng trang vẫn cho độc giả cảm xúc chân thật, gần gũi. Tuy nhiên, xu thế của thời đại 4.0 sẽ giúp xuất bản điện tử phát triển nhanh và hiệu quả”, CEO Tân Việt Books nhấn mạnh.

xuat ban dien tu anh 2

Voiz FM là một trong những nền tảng sách nói có triển vọng ở Việt Nam. Ảnh: FB Voiz FM.

Mỗi phiên bản sách nên có chủ đề riêng

Theo ông Lê Hoàng, phiên bản sách multimedia phù hợp những chủ đề về khoa học, truyền bá kiến thức, lịch sử. Tiểu thuyết, sách kỹ năng, quản trị kinh doanh sẽ phù hợp hơn với định dạng audio book.

Một thực tế hiện nay là trẻ em rất ngại đọc những cuốn sách lịch sử. “Nếu kiến thức về lịch sử được thể hiện dưới dạng chữ ít, tranh nhiều, âm thanh và hình ảnh kết hợp sinh động trong một phiên bản multimedia, trẻ sẽ được dẫn dắt tới một câu chuyện lịch sử chân thực mà đầy thú vị. Từ đó, các em dễ tiếp nhận thông tin và thêm yêu lịch sử dân tộc hơn”, ông Lê Hoàng nói thêm.

Việc phát hành ebook hay audio book hướng tới những nhóm độc giả nhất định. Theo anh Nguyễn Quang Thạch, chẳng hạn, một phiên bản audio book của cuốn sách song ngữ sẽ giúp độc giả vừa nghe sách, vừa rèn luyện thêm khả năng phát âm ngoại ngữ của bản thân.

Audio book cũng là lựa chọn tối ưu cho những độc giả từ độ tuổi trung niên trở đi hoặc người có thị lực kém. Nhưng việc lựa chọn định dạng nào cũng phụ thuộc độ tuổi, sở thích và nhu cầu của người đọc.

Người đàn ông “cõng sách về làng” này cũng chia sẻ rằng trẻ em nếu sử dụng các thiết bị điện tử vào việc chơi game, khả năng lĩnh hội tri thức sẽ bị hạn chế. Thay vào đó, nếu dùng điện thoại để nghe sách, sẽ đem lại hiệu quả lớn.

“Song, từ 0-15 tuổi, việc cấp thiết vẫn là trang bị sách giấy cho các em. Sau 15 tuổi, trẻ có thể tiếp cận sách ở các phiên bản điện tử thông qua thiết bị công nghệ. Xét cho cùng, xuất bản điện tử sẽ có tác động tích cực đến việc phổ biến tri thức toàn dân”, anh Thạch cho hay.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Kim Thoa cho rằng xuất bản điện tử nên là bước đi song hành với xuất bản truyền thống. Ở lứa tuổi nhỏ, con người cần nhận diện, lật mở và chạm vào những hình ảnh trên sách giấy. Nếu tiếp xúc nhiều thiết bị điện tử, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tới thị lực vốn chưa được phát triển toàn diện. Còn ebook hay audio book là lựa chọn tốt cho đối tượng độc giả trưởng thành, có thể mang theo bên mình đi bất cứ nơi đâu.

Tác giả: Thu Huệ
Nguồn:Zing Sao chép liên kết
Tin liên quan