Việt Nam tạo vaccine phòng bốn loại bệnh ở gia cầm

Các nhà khoa học Việt đã làm chủ công nghệ sản xuất vaccine đa giá từ thành phần vi khuẩn và virus, chỉ cần tiêm một mũi phòng được bốn loại bệnh.

Vaccine đa giá (chứa từ hai chủng/type của vi khuẩn hoặc virus trong một liều vaccine) xuất hiện ngày càng phổ biến trên thị trường và dần trở thành một phần quan trọng trong quy trình chăn nuôi của người nông dân hiện nay. Tuy nhiên, gần như toàn bộ vaccine đa giá hiện đang lưu hành ở Việt Nam đều nhập ngoại, và rất ít vaccine có thành phần kết hợp giữa vi khuẩn và virus trong cùng một liều tiêm.

Nhận thấy xu hướng này, Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 (Fivevet) đề xuất nghiên cứu vaccine tứ giá phòng bệnh cho gia cầm. Mục đích của nghiên cứu là làm chủ công nghệ sản xuất vaccine đa giá bao gồm thành phần vi khuẩn và virus, 100% sản xuất trong nước thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại. Kết quả nghiên cứu sẽ tạo sản phẩm chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và giảm chi phí so với hàng nhập ngoại và giảm stress của vật nuôi khi tiêm phòng vaccine chỉ tiêm một mũi thay vì tiêm nhiều mũi mỗi loại vaccine.

Đề xuất được Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt năm 2018 với dự án sản xuất vaccine tứ giá phòng bốn loại bệnh ở gia cầm (bệnh Newcastle, viêm phế quản truyền nhiễm, Gumboro và sổ mũi truyền nhiễm do vi khuẩn), TS Trịnh Quang Đại, Fivevet, Chủ nhiệm đề tài.

Nhiệm vụ của nhóm là nghiên cứu và sản xuất vaccine tứ giá (chứa bốn loại kháng nguyên, gồm ba kháng nguyên virus (kháng nguyên Newcastle chủng Lasota, kháng nguyên IB chủng H120 và kháng nguyên Gumboro chủng 2512) và một kháng nguyên vi khuẩn (Haemophilus paragallinarum). "Đây sẽ là vaccine tứ giá 100% 'Made in Vietnam' đầu tiên", TS Đại cho biết.

Nghiên cứu vaccine tứ giá trong phòng thí nghiệm Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nghiên cứu vaccine tứ giá trong phòng thí nghiệm Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thành phần vaccine dựa trên tính toán các nhóm bệnh quan trọng nhất trong chăn nuôi gia cầm và tính khả thi về công nghệ. Có ba thành phần virus (gây bệnh Newcastle, viêm phế quản truyền nhiễm và bệnh Gumboro) và một thành phần vi khuẩn gây bệnh sổ mũi truyền nhiễm ở gà.

Cùng với sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, nhóm nghiên cứu của công ty đã tạo nguồn kháng nguyên dùng trong vaccine từ công nghệ sản xuất kháng nguyên trên phôi trứng và tế bào đối với các kháng nguyên virus. Kháng nguyên của vi khuẩn Haemophilus paragallinarum được nuôi cấy trong môi trường đặc trưng. Khi đã tạo được kháng nguyên, nhóm phát triển vaccine dựa trên công nghệ phối chế, tạo thành vaccine tứ giá hiệu quả cao đối với từng loại bệnh trên thể tích tương đương thể tích của liều vaccine đơn giá.

Nguyên liệu làm vaccine là kháng nguyên tinh khiết - chất bổ trợ chất lượng cao, được bào chế tối ưu cho vaccine đa giá, nhằm đem lại hiệu quả bảo hộ tốt nhất cho đàn vật nuôi. Nguyên liệu này có ưu điểm độ đồng đều cao, dễ phân tán, kích thích đáp ứng miễn dịch ở cơ thể vật nuôi...

Vaccine được bào chế để chứa cùng lúc kháng nguyên vi khuẩn và ba kháng nguyên virus trong cùng một mũi tiêm, do đó, thách thức lớn với nhóm nghiên cứu để tạo ra vaccine trên là: (1) Lựa chọn công thức phối trộn kháng nguyên đảm bảo tính miễn dịch, (2) Yêu cầu khắt khe sản xuất kháng nguyên đạt tiêu chuẩn phối trộn, (3) Tính cạnh tranh miễn dịch của thành phần kháng nguyên vi khuẩn và virus.

Theo TS Đại: "để tìm ra công thức vaccine phối trộn bốn thành phần là một thách thức lớn với nhóm nghiên cứu. Đặc biệt, việc chọn lọc được chủng vi khuẩn đại diện Haemophilus paragallinarum tại Việt Nam và đáp ứng được tiêu chuẩn dùng trong nghiên cứu, sản xuất vaccine là một vấn đề phức tạp cần được giải quyết".

Nhóm nghiên cứu đã tìm cách phân lập, định danh được cả 03 type A, B, C của vi khuẩn Haemophilus paragallinarum trên gà ở Việt Nam."Suốt hơn hai năm miệt mài, từ năm 2018 đến cuối năm 2020, Công ty mới thực hiện xong các khâu để hoàn thành quá trình nghiên cứu vaccine", TS Đại cho biết.

Để tìm được công thức bào chế vaccine phù hợp, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc đến trên 60 nghiệm thức phối trộn khác nhau, bản chất mỗi nghiệm thức là một công thức phối chế với sự điều chỉnh các thành phần có trong vaccine. Sản phẩm của mỗi nghiệm thức được đánh giá theo các tiêu chuẩn đánh giá vaccine như độ vô trùng, chỉ tiêu hóa lý, vi sinh ... Đặc biệt, sản phẩm phải được đánh giá thực nghiệm trên gà (bản động vật) để chọn ra được nghiệm thức tối ưu nhất. Kết quả kiểm nghiệm và thử nghiệm với nghiệm thức lựa chọn của bốn loại kháng nguyên cho kết quả an toàn 100% gà thử nghiệm. Nghiệm thức tối ưu cho kết quả an toàn 100%, hiệu lực trên 80% cho từng loại bệnh khi đánh giá trên gà.

Tiêm thử nghiệm vaccne trên gia cầm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Tiêm thử nghiệm vaccne trên gia cầm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Vaccine đã được gửi mẫu đánh giá tại Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương 1. Hiện cả ba lô vaccine thử nghiệm đều được Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương 1 công nhận đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

PGS.TS Trương Văn Dung, nguyên Viện trưởng Viện Thú y Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cho biết, đây là nghiên cứu có tính sáng tạo, đột phá, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tiễn. Trong thiết kế vaccine nhiều thành phần kháng nguyên trong trong một, các kháng nguyên phải có cấu trúc, đặc điểm sinh,hóa học khác nhau, do vậy, không phải sự kết hợp nào với nhau cũng có thể thành công. Sáng tạo của nhóm là đã tìm ra các nghiệm thức phối trộn vắc xin khác nhau để chọn phương án tối ưu nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

"Chỉ một mũi tiêm mà phòng được 4 bệnh cho gia cầm là một nghiên cứu đột phá ở Việt Nam. Những kết quả tốt trong quá trình nghiên cứu này, chúng tôi đã đề xuất nên có một dự án sản xuất thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt", ông Dung nói.

TS Trịnh Quang Đại cho biết, để các kết quả nghiên cứu trên chuyển tiếp thành sản phẩm thương mại, kế hoạch tiếp theo cần phải tiếp tục triển khai dự án sản xuất thử nghiệm (dự án P) để hoàn thiện quy trình công nghệ ở quy mô sản xuất công nghiệp. Sau đó tiến tới đăng ký và thương mại hóa sản phẩm, dự kiến vào khoảng năm 2023.

Tác giả: Tô Hội
Nguồn:vnexpress.net Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51