Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ xử lý chất thải giá rẻ

GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, cho biết, các nhà khoa học Viện Công nghệ Môi trường đã chế tạo lò đốt chất thải rắn nguy hại không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC.

Lò đốt rác thải nguy hại được đưa vào áp dụng thực tiễn.

Lò đốt rác thải nguy hại được đưa vào áp dụng thực tiễn.

Chất thải được đưa vào buồng sấy sơ cấp rồi mới đưa sang buồng đốt cháy và khí hóa. Buồng đốt luôn duy trì áp suất âm, không khí chỉ đi vào chứ không đi ra được, thời gian lưu khí là hai giây. Công nghệ này sử dụng không khí để thúc đẩy quá trình cháy. Muốn cháy nhanh thì cấp khí nhanh, do đó cũng không cần phải đầu tư vách cách nhiệt (chiếm tỉ lệ đầu tư khá cao).

Ngoài ra, thể tích khoang đốt có thể điều chỉnh được, thời gian lưu cháy lớn, xử lý triệt để chất thải. Hệ thống cũng không có béc đột, chỉ cần quạt thổi không khí nên chi phí đầu tư giảm từ 75 - 90%. Giá thành của lò đốt này chỉ bằng 50%, hoặc thậm chí chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm tương tự nhập khẩu.

Cùng với giá thành rẻ, làm chủ công nghệ sản xuất, vận hành và bảo dưỡng, Viện Công nghệ Môi trường cũng có các sản phẩm khác như lò đốt VHI-18B xử lý chất thải rắn y tế có công suất từ 50 - 100 kg/mẻ. Lò đốt này tích hợp công nghệ đốt theo mẻ, áp dụng nguyên lý đốt đa vùng, xử lý hiệu quả khí thải. Sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế.

Công nghệ xử lý và tái chế thành phần hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt thành phân bón cũng là một thành công của Viện Công nghệ Môi trường. Theo đó, các nhà khoa học của Viện đã tạo ra chế phẩm Sagi Bio, dựa trên các hoạt động sống của vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn dị dưỡng hoại sinh có trong chất thải để xử lý chính chất thải.

Thành phần chế phẩm là các chủng vi sinh vật hữu ích thuộc nhóm chịu nhiệt và ưa nhiệt, sinh tổng hợp mạnh các enzim ngoại bào để phân hủy nhanh các chất thải hữu cơ thành mùn, giảm mùi hôi thối, làm sạch môi trường…

Trăn trở trước thực trạng các nhà máy bia, mía đường… thải ra lượng bùn mỗi ngày ở mức rất lớn, gây tác động tiêu cực đến môi trường và chính bản thân các đơn vị sản xuất này cũng “đau đầu” khi chi phí xử lý bùn thải ở mức cao, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh và cộng sự ở Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk”.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ phân hủy yếm khí và thu hồi khí sinh học trên đối tượng bùn thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và xử lý nước, nhằm tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị.

Đây là công nghệ đã và đang được các nước tiên tiến trên thế giới quan tâm, nhằm tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị từ quá trình sản xuất và xử lý nước thải công nghiệp, như: Phát điện, phân bón hữu cơ, mà lại góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm đáng kể lượng bùn thải phát sinh và chi phí xử lý.

Dù đây đều là những công nghệ tốt, rẻ, rất nhiều tiềm năng ứng dụng, song GS.TS Trịnh Văn Tuyên vẫn phải “đề nghị cơ quản quản lý có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy phát triển các nghiên cứu này”.

Theo ông Tuyên, có nhiều lý do để một sản phẩm tốt, rẻ, nhiều tiềm năng nhưng lại ít được sử dụng. Bản thân các nhà khoa học không có kỹ năng để quảng bá sản phẩm. Doanh nghiệp lại chưa có thông tin về các sản phẩm khoa học, chưa kết nối với các nhà khoa học.

Trong khi hiện nhiều dự án xử lý môi trường được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Các tổ chức này thường sử dụng công nghệ của chính nước họ để áp dụng. Trong đó, quan trọng nhất là việc nhà khoa học ít đầu tư quảng bá.

Về mặt công nghệ, theo GS Trịnh Văn Tuyên, so với các sản phẩm nhập khẩu, thiết bị trong nước có tính năng tương đương. Đó là chưa kể một ưu thế khi công nghệ trong nước làm chủ là quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng rất thuận tiện. Công nghệ nhập khẩu, mua về, vận hành xong là xong.

 

Nguồn:Theo: GD&TĐ Sao chép liên kết
Tin liên quan