Việt Nam cần làm gì để giảm phát thải carbon?

Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ảnh minh họa.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có phát thải khí nhà kính (GHG) tăng nhanh nhất trên thế giới.

Ở Việt Nam, phần lớn GHG thải ra từ hoạt động sản xuất điện, nông nghiệp, chế tạo và vận tải. Sản xuất nông nghiệp thải ra một lượng lớn khí metan (methane) - một loại khí đốt nóng hành tinh rất nhanh. Các ngành sản xuất như thép và xi măng dựa vào nhiên liệu hóa thạch giá rẻ. Ở các thành phố, xe đạp đã được thay thế bằng xe máy và ô tô chở khách gây ô nhiễm...

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuyên bố này đã được tất cả các bên liên quan hoan nghênh. Đây là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm toàn cầu của Việt Nam. Sau tuyên bố, Chính phủ đã ban hành Thông báo để hướng dẫn thực hiện cam kết.

Khử carbon cho ngành điện

Sản xuất điện là nguồn phát thải carbon lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng lượng khí thải), do tỷ trọng cao của các nhà máy nhiệt điện than. Lĩnh vực này bắt đầu chuyển đổi dần dần. Gần đây, đầu tư vào điện mặt trời, điện gió nhiều hơn, song các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam.

Để khử carbon trong ngành điện, Việt Nam đã tuyên bố sẽ không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030 và quy mô điện than sẽ giảm từ sau năm 2035. Việt Nam cũng có thể xem xét phát triển các nhà máy điện hạt nhân nếu đáp ứng các điều kiện về công nghệ và an toàn. Việc thực hiện đầy đủ chiến lược này sẽ làm giảm tỷ trọng than trong sản xuất điện từ 50% hiện nay xuống còn khoảng 10% vào năm 2040, từ đó tạo ra một bước tiến nhảy vọt theo hướng tiến tới zero carbon.

Khử carbon trong canh tác mùa màng

Nông nghiệp cũng là nguyên nhân gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính tại Việt Nam, đặc biệt là trồng lúa (15% tổng lượng khí thải). Theo phương thức canh tác truyền thống, nông dân cho nước ngập ruộng lúa, do đó ngăn cản sự trao đổi không khí giữa đất và khí quyển, đồng thời là nguồn cung cấp cho sự phát triển của vi khuẩn sinh ra khí metan. Để thay đổi được điều này không dễ, bởi việc chuyển đổi kỹ thuật canh tác không thể tránh khỏi tác động của thời tiết khô hạn, nhiệt độ cao, xâm nhập mặn trên ruộng lúa. Do đó, người nông dân sẽ phải thích nghi.

Chính phủ đã khuyến khích các dự án thí điểm nhằm giảm phát thải khí metan trong ruộng lúa. Nông dân cũng được khuyến khích đa dạng hóa các hoạt động. Ví dụ, tận dụng cơ hội nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi chất thải chăn nuôi thành khí sinh học; quản lý lâm nghiệp, kỹ thuật trồng trọt mới và sử dụng sinh khối có khả năng giảm phát thải ròng... Những sáng kiến này có thể đóng góp vào sự chuyển đổi toàn diện của nông nghiệp.

Khử carbon trong sản xuất

Định giá khí thải carbon (các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh) chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề khử carbon trong lĩnh vực sản xuất (chiếm 17% tổng lượng khí thải). Giá carbon đủ cao sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào thiết bị thải ra lượng carbon thấp.

Việt Nam đã có kế hoạch đúng đắn để khởi động một thị trường carbon như vậy. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi yêu cầu các cơ sở phát thải carbon lớn phải có mức cho phép phát thải bắt đầu từ năm 2025, bằng các khoản hỗ trợ do Chính phủ cấp hoặc mua trên thị trường. Để chuẩn bị cho vấn đề này, Chính phủ đang thiết lập một hệ thống kiểm kê GHG.

Thị trường carbon của Việt Nam sẽ được vận hành đúng thời điểm khi Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, theo đó yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải chịu mức định giá carbon tương tự các sản phẩm sản xuất tại EU. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sang EU phải tuân thủ các yêu cầu này. Do Việt Nam sẽ triển khai hệ thống định giá carbon của riêng mình, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được bù đắp cho chi phí carbon đã phải trả tại quốc gia của họ.

Giao thông sạch

Giao thông vận tải chiếm khoảng 10% lượng GHG của Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách không khuyến khích sử dụng các phương tiện gây ô nhiễm và sử dụng ưu đãi thuế để thúc đẩy việc sử dụng xe điện. Đối với Việt Nam, có thể cắt giảm phí trước bạ và giảm thuế nhập khẩu xe điện. Bên cạnh đó, có thể áp dụng chính sách “bồi thường” với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô gây ô nhiễm, tạo nguồn lực để trợ giá cho việc sử dụng xe điện.

Việc tăng thuế xăng và dầu diesel cũng là biện pháp mạnh khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện. Việt Nam thu thuế bảo vệ môi trường (EPT) đối với các sản phẩm được coi là gây tác động tiêu cực đến môi trường. EPT được tính trên các sản phẩm dầu mỏ (xăng, dầu diesel, dầu nhiên liệu, nhiên liệu máy bay).

Có thể thấy, Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi bắt tay vào hành trình tăng trưởng xanh. Điều này sẽ giúp bảo vệ hành tinh, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực lâu dài và sẽ rất tốn kém. Thu hút các nhà đầu tư tư nhân, tài chính xanh và cho vay ưu đãi sẽ là điều cần thiết để có được nguồn vốn cần thiết cho chiến lược này.n

(*) Nguyên Phó vụ trưởng Vụ kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Nguồn:Theo Báo đầu tư Sao chép liên kết
Tin liên quan