Ứng dụng mô hình thông tin BIM trong dự án Trạm biến áp và đường dây Truyền tải điện ( tiếp theo và hết )

 

    1. Trang bị hạ tầng máy móc thiết bị:

Khi áp dụng BIM, do đặc thù ứng dụng trên nền tảng số, trình duyệt Web, phần mềm chuyên ngành…, cấu hình của máy móc thiết bị cũng tương đương.

Vì vậy đa phần để đảm bảo cho quá trình khai thác ứng dụng BIM và bộ phận quản lý liên quan cần thực hiện nâng cấp hạ tầng thiết bị và số lượng tương đương (ví dụ trang bị các máy trạm Workstation cấu hình mạnh; một số máy trạm di động phục vụ thực tế công trường...).

    1. Trình tự ứng dụng BIM trong phần Trạm biến áp:

Sử dụng bộ công cụ, phần mềm của Autodesk để thiết lập mô hình BIM phần Trạm biến áp.

Hình 3: Lưu trình thiết lập BIM phần Trạm

Chúng tôi tạo dựng các Family cho từng cấu kiện, thiết bị điện trong trạm, rồi tiến hành bố trí mặt bằng xây dựng trên mô hình BIM 3D đúng kích thước và vị trí theo yêu cầu thiết kế. Trong quá trình thực hiện các bộ môn phối hợp chặt chẽ với nhau để tránh xảy ra các xung đột trên mô hình thiết kế.

Các quá trình diễn ra được chia sẻ mô hình trên CDE, các bộ môn hoặc các bên tham gia dự án đều có thể phối hợp, góp ý và chỉnh sửa ngay trên mô hình.

Hình 4: Mô hình BIM hoàn chỉnh phần Trạm

    1. Trình tự ứng dụng BIM trong phần Đường dây truyền tải:

Có thể nói đây là công trình đường dây truyền tải áp dụng các giải pháp đến từ Autodesk để thiết lập mô hình BIM đầu tiên trong ngành điện, với đầy đủ thông tin và mức độ chính xác cao, không khác gì các phần mềm chuyên dụng khác như PLS Cad (có giá trị bản quyền hàng trăm triệu đồng / 01 bản / năm).

Từ kết quả khảo sát UAV được đưa vào Civil 3D để tạo ra bình đồ hạ tầng chính xác, nhằm làm cơ sở phục vụ cho việc thực hiện mô hình 3D toàn tuyến đường dây.

Và cũng tương tự chúng tôi dùng các công cụ, phần mềm của Autodesk để thiết lập mô hình BIM phần đường dây.

Hình 5: Lưu trình thiết lập BIM phần Đường dây truyền tải

Các chi tiết được tạo từ phần mềm Revit, Advanced Steel, Inventor sẽ được đưa vào Civil 3D để lắp ghép thành trụ hoàn chỉnh. Phần đường dây được mô hình 3D toàn bộ với khối lượng dây dẫn và phụ kiện được đặt chính xác với thực tế. Sau đó, tiến hành căng dây tự động trên mô hình, dây dẫn là đối tượng 3D mang thông tin chi tiết.

Mô hình đúng với thực tế địa hình, địa vật đáp ứng việc kiểm tra độ võng căng dây, cao độ ở các điểm giao chéo đều đạt yêu cầu kỹ thuật và hiển thị trực quan ngay trên mô hình.

Hình 6: Mô hình đường dây trên nền khảo sát UAV

 

Hình 7: Mô hình đường dây thu gọn trên Civil 3D

Hình 8: Mô hình Trạm và đường dây hoàn chỉnh

  1. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

Công tác thiết lập mô hình BIM cho công trình điện (trạm và đường dây) đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đặt ra trong nhiệm vụ Chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực miền Nam và của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đặc biệt, phần đường dây truyền tải mang đến nhiều lợi ích cho Chủ đầu tư từ cái nhìn trực quan, phản ánh đúng thực tế địa hình, địa vật. Giúp Chủ đầu tư, các bên tham gia lựa chọn giải pháp tối ưu, vị trí xây dựng phù hợp và giảm thiểu các chi phí đầu tư, đền bù cho công trình.

Với tất cả mô hình thiết kế cho trạm biến áp và đường dây đấu nối kết hợp trên không gian ảnh của khảo sát bay UAV và luôn được lưu trữ dạng số hóa từ cơ sở dữ liệu đầu vào đến khi thi công hoàn công công trình. Tất cả các thông tin của công trình, dự án sẽ được lưu trữ vĩnh viễn đáp ứng đúng vai trò chuyển đổi số, giảm thiểu hồ sơ giấy và các thất lạc khác do thời gian. Sau khi thi công hoàn công công trình, Chủ đầu tư sẽ nhận được một mô hình BIM hoàn chỉnh với đầy đủ các thông tin từ thiết bị đến kết cấu nhằm tiến tới quản lý tài sản trên nền tảng số - đó chính là mục đích mà BIM mang lại cho Chủ đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm BIM cho dự án vẫn còn tồn tại các khó khăn và vướng mắc như: Chưa có đơn giá định mức cụ thể cho các bên tham gia áp dụng mô hình BIM; việc đầu tư nhằm tiến tới thiết kế BIM còn các khó khăn về chi phí như trang bị, đầu tư các phần mềm chuyên dụng cho từng công tác, máy móc thiết bị…v.v. Đối với ngành điện, cũng cần xây dựng quy định chung về công tác thiết lập mô hình BIM như các công trình dân dụng – công nghiệp khác.

  1. KẾT LUẬN

Việc thực hiện thí điểm BIM cho dự án Trạm và đường dây 110kV là cần thiết và là xu thế chuyển đổi số ngày nay, nhằm để đánh giá được các ưu điểm và các tồn tại nhằm từng bước xây dựng đề án BIM tổng thể cho các dự án Điện nói riêng tại từng Tổng công ty, cũng như tại Tập Đoàn điện lực Việt Nam nói chung.

Mô hình BIM chỉ thực sự hiệu quả khi thông tin công trình được quản lý thống nhất từ giai đoạn thiết kế, thi công đến quản lý vận hành. Việc thực hiện BIM cần phát triển cao hơn, không chỉ dừng lại ở mức độ thiết kế, thông tin phục vụ quản lý sau này. Với mô hình BIM hoàn chỉnh, chúng ta sẽ nhìn nhận được các lợi ích do mô hình mang lại như quản lý tài sản và vận hành trên nền tảng số.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Quyết định số 1057/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 của Bộ Xây dựng công bố Hướng dẫn tạm thời áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong giai đoạn thí điểm

[2] Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ Xây dựng Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM).

[3] BS EN ISO 19650-1:2018 Organization and digitization of information about buildings and civil engineering works, including building information modelling - Information management using building information modelling: Concepts and principles

[4] BS EN ISO 19650-2:2018 Organization and digitization of information about buildings and civil engineering works, including building information modelling - Information management using building information modelling: Delivery phase of the assets

Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51