Từ mô hình 3.000 "nhà máy điện mini" - những Dự án điện mặt trời mái nhà kiểu mẫu đến kỳ vọng “triệu mái nhà xanh”

Một chương trình hỗ trợ lắp đặt 3.000 “nhà máy điện mini” không cần vốn đầu tư ban đầu nhưng vẫn được hưởng thêm các chương trình hỗ trợ, ưu đãi khác vừa được Công ty CP đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (BK-Solar) cam kết với Công đoàn Điện lực Việt Nam nhằm tạo ra những Dự án điện mặt trời mái nhà kiểu mẫu, qua đó lan tỏa, khuyến khích phát triển lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên quy mô toàn quốc.


Ảnh: Ngọc Hà.
 

Vì sao BK-Solar lại lựa chọn cán bộ công nhân viên ngành điện để thực hiện thí điểm chương trình này? 

Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn Điện lực Việt Nam với Công ty CP đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (BK-Solar) mới đây về việc hỗ trợ cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lắp đặt điện mặt trời mái nhà, ông Nguyễn Dương Tuấn - Tổng giám đốc BK-Solar cho rằng, việc một doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn con đường sản xuất, tự chủ về công nghệ để cạnh tranh thực sự không hề đơn giản. Bởi, đối với doanh nghiệp nhà nước (DNVN) làm sản xuất thì mệt mỏi nhất chính là việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. 

“Chúng tôi đứng trước lựa chọn giữa việc cạnh tranh về giá hay con đường đi về giá trị” - ông Nguyễn Dương Tuấn nói, và quả quyết: Nếu đã chọn con đường năng lượng, nhất là năng lượng sạch thì hơn ai hết - những người trong ngành - đều hiểu rằng, cuộc chơi về năng lượng là cuộc chơi dài hạn, không thể nào là cuộc chơi của ngày một ngày hai, càng không phải là cuộc chơi ngắn hạn. Chính vì vậy BK-Solar luôn kiên trì theo đuổi việc đầu tư vào chuỗi giá trị hoàn thiện - từ sản xuất, quản lý về chất lượng đến phát triển các giải pháp và đưa ra Platform (nền tảng) - để quản lý và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Một ví dụ cụ thể được BK-Solar đưa ra, đó là “ngay cả những "nhà máy điện mini" - hệ thống điện trên mái nhà cũng phải là cuộc chơi dài hạn, cũng phải có tuổi thọ 20-25 năm”… 

Luôn tìm cách để tạo sự khác biệt trên thị trường, tức là “nếu mình không cạnh tranh được về giá thì phải đảm bảo đem lại giá trị cộng thêm cho khách hàng” - đó là quan điểm làm kinh tế của các nhà khoa học xuất phát từ các viện nghiên cứu của Đại học Bách Khoa. Tổng giám đốc BK-Solar Nguyễn Dương Tuấn quả quyết, các sản phẩm của BK-Solar không chỉ được cam kết bởi các công ty bảo hiểm - tài chính uy tín, nếu hợp tác được với EVN và CBNV của ngành điện thì sẽ đem lại giá trị cộng thêm rất lớn bởi sự hiểu ngành, hiểu nghề của các “chuyên gia” thực tế này.

"Thực sự mà nói thì không có đơn vị nào về mặt năng lượng mà có được những cán bộ CNV thực sự hiểu ngành, hiểu nghề như EVN, cho nên chúng tôi thực sự mong chờ chương trình này khi kết hợp được với nhau thì 3.000 cánh chim đầu đàn đó sẽ thực sự là những người lan tỏa rất tốt cho thị trường. Bởi vì mặc dù khi ra gói sản phẩm này rất nhiều người đã có phản ứng rất tốt rồi, nhưng để lan tỏa rộng hơn thì cần có tiếng nói của chuyên gia. Mà tiếng nói chuyên gia có giá trị nhất khi học thực sự là người trải nghiệm sản phẩm, giải pháp đó"- ông Tuấn cho biết.

Theo tính toán, hiện nay, EVN có hơn 100.000 cán bộ, nhân viên trên toàn quốc. Chương trình hợp tác thí điểm đặc mục tiêu đến hết tháng 1/2021 sẽ lắp đặt thành công được khoảng 12.000 kWp công suất điện mặt trời - trên khoảng 3.000 mái nhà của công nhân viên ngành điện, với tổng số vốn xã hội hoá đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết thỏa thuận hợp tác được thực hiện xuất phát từ những lợi ích thiết thực của điện mặt trời mái nhà đối với hộ gia đình, như tạo ra nguồn điện thông qua các tấm pin năng lượng, giúp giảm giảm chi phí tiền điện hàng tháng và tạo nguồn thu nhập cho tương lai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên công đoàn ngành điện trên cả nước có thể sở hữu hệ thống điện mặt trời mái nhà mà không cần đến vốn đầu tư, đồng thời được hưởng các chương trình hỗ trợ, ưu đãi, qua đó khuyến khích phát triển lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Theo đó, mỗi “mái nhà trống” khi đáp ứng được các điều kiện của BK-Solar sẽ được đầu tư toàn bộ hệ thống công nghệ điện mặt trời mái nhà – từ khi lắp đặt cho đến khi vận hành. Chi phí chi trả chỉ từ 1,2-2,8 triệu đồng/tháng, sau 3 năm sẽ hoàn thành sẽ được sở hữu toàn bộ hệ thống này. 

Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, "từ những dự án đầu tư ĐMT mái nhà kiểu mẫu mà CBCNV ngành điện thực hiện, chúng tôi mong muốn rằng chương trình này sẽ được nhân rộng hơn nữa tới đội ngũ đoàn viên công đoàn người lao động cũng như các hộ gia đình trên khắp đất nước, mang lại lợi ích tới mọi nhà và góp phần giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam".

Theo thống kê, đến nay (tính đến thời điểm 23/9/2020), cả nước đã có tổng cộng 51.769 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 1.355 MWp được lắp đặt và đưa vào vận hành. Tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Ngoài số lượng hàng triệu mái nhà của các hộ gia đình thì mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp... là những nơi có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới.

Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan