Từ con mồi thành thợ săn những kẻ lừa đảo tiền điện tử

Trong tầng hầm ngôi nhà ở phía nam bang Indiana, một người đàn ông đội mũ Dogecoin đang "tuần tra" những góc tối của thế giới tiền điện tử.

Đó là Robert Browning, 52 tuổi. Sau khi bị lừa hơn 8.000 USD, ông quyết định thành lập tổ chức chuyên vạch trần các dự án tiền điện tử lừa đảo.

Từ con mồi trở thành thợ săn

Browning cho biết hồi tháng 7, ông tham gia vào dự án coin rác có tên Altex. Đội ngũ sáng lập mô tả về thứ gọi là CryptoCard - một loại thẻ tín dụng dành cho các nhà đầu tư meme coin và một trường đại học về tiền điện tử. Thảm họa xảy ra vào ngày 11/7 khi các nhà đầu tư bán tháo Altex khiến giá trị coin giảm mạnh.

"Tôi ngồi đó và nhìn khoản đầu tư trị giá 8.200 USD của mình biến thành 86 USD. Có gì đó như mắc nghẹn trong cổ họng, tôi không thể nuốt trôi được điều này", ông nói. Tệ hơn, ông còn rủ một người bạn của mình đầu tư vào Altex - coin đầu tiên đưa người đó bước chân vào thế giới tiền điện tử. Browing nói ông không chỉ là nạn nhân của một trò lừa đảo mà còn gián tiếp trở thành một kẻ tồi tệ khi lôi kéo người khác tham gia vào dự án.

Robert Browning. Ảnh: Bloomberg

Robert Browning. Ảnh: Bloomberg

Sau đó, ông thành lập một nhóm tên RugSeekers và cam kết sẽ "dành cả đời" để tìm kiếm các dự án tiền điện tử gian lận và cảnh báo cho cộng đồng. Trong phần giới thiệu, trang web của RugSeekers viết: "Chúng tôi là một nhóm chuyên nghiệp, siêng năng và giàu kinh nghiệm. Chúng tôi làm việc để loại bỏ gian lận và tham nhũng khỏi không gian tiền điện tử".

Hành trình bóc trần dự án lừa đảo

Browning cho biết ông và các đồng nghiệp thường tìm coin có dấu hiệu đáng ngờ từ những nhóm thảo luận trên Telegram hoặc những chủ đề đang được bàn tán nhiều trên mạng xã hội.

Một trong những dự án tiền mã hóa lừa đảo mà nhóm vạch trần là We Save Moon. Browning tham gia vào group liên quan đến dự án trên Telegram với bí danh RobAte25, đặt các câu hỏi về tiện ích của coin. Trong thế giới tiền mã hóa, nếu một coin sinh ra để giải quyết một vấn đề nào đó rõ ràng, nó được xem là một khoản đầu tư tốt và an toàn. Ngược lại, nếu không trả lời được câu hỏi đầu tiên này, dự án có dấu hiệu lừa đảo.

Đúng như dự đoán, Browning và cộng sự không nhận được câu trả lời của quản trị viên nhóm We Save Moon. Thay vào đó, họ chuyển hướng đến các tin nhắn đã được ghim về kêu gọi đầu tư. Ông tiếp tục hỏi liệu nhà phát triển có thể công khai danh tính để nhà đầu tư an tâm, nhưng bị lờ đi.

Trên trang web We Save Moon, phần giới thiệu đội ngũ phát triển cũng chỉ là những avatar hoạt hình. Khi bị chất vấn trong nhóm Telegram, các quản trị viên tỏ ra không vui vì sự xuất hiện của "những người hay hỏi" này.

Một người trong hội RugSeekers mua thử một ít coin của We Save Moon. Họ phát hiện, cứ mỗi giao dịch của nhà đầu tư, khoảng 90 USD từ quỹ thanh khoản sẽ được chuyển vào ví khác. Nói cách khác, nhà phát hành đang thu về 90 USD từ mỗi giao dịch. Trong thế giới tiền mã hóa, đây gọi là "Rug Pull" (Kéo thảm) - thuật ngữ mô tả hành động nhóm phát triển rút toàn bộ vốn của nhà đầu tư và bỏ trốn. Khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, các nhà đầu tư đã mua coin trước đó sẽ bị thiệt hại lớn.

Ngay lập tức, Browning liên lạc để hỏi các quản trị viên về khoản phí đáng ngờ này. Nhưng họ phớt lờ, xóa và chặn tin nhắn của ông, cho rằng ông đang cố tình gieo rắc nỗi sợ cho cộng đồng nhà đầu tư.

Ông quyết định lên tài khoản Twitter cá nhân thông báo về những dấu hiệu nghi vấn của We Save Moon và nhận được hơn 4.145 lượt quan tâm. "Vài ngày sau, nhà phát triển rút hết tiền khỏi dự án, bỏ mặc các nhà đầu tư. Có trường hợp mất hàng nghìn USD", Browning nói. Bloomberg cũng tìm cách liên lạc với quản trị viên We Save Moon nhưng không được phản hồi.

'Miền tây hoang dã' trong thế giới tiền điện tử

Những kiểu lừa đảo này ngày một nhiều. Tháng trước, cộng đồng chứng kiến pha "kéo thảm" của meme coin ăn theo phim Squid Game. Đầu tháng 11, giá của Squid tăng tới 222.776 lần, nhưng chỉ sau 5 phút đã lao dốc về 0, nhà đầu tư không thể thanh khoản.

Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm đã có 681 triệu USD bị mất bởi các vụ gian lận và trộm cắp tiền điện tử. Nghiên cứu từ CipherTrace cho thấy, các vụ hack liên quan đến DeFi (tài chính phi tập trung) chiếm 54% khối lượng gian lận tiền điện tử lớn. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 3%. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, số tiền thiệt hại từ dự án lừa đảo tiền số đã là 361 triệu USD, trong khi con số của cả năm 2020 là 129 triệu USD.

Trong khi các cơn quan quản lý chỉ đang quan tâm đến các sàn giao dịch lớn, hầu hết các vụ lừa đảo diễn ra ở những sàn nhỏ. Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đưa ra cảnh báo hồi tháng 8: "Thị trường tiền điện tử đầy rẫy gian lận, lừa đảo và lạm dụng. Rất nhiều người sẽ bị tổn thương nếu chính phủ không tăng cường bảo vệ nhà đầu tư".

Tuy nhiên theo thủ tục, SEC có thể phải mất từ vài tháng đến một năm mới có thể đưa ra kết luận về một vụ lừa đảo. Hành lang pháp lý không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, trong khi các vụ lừa đảo ngày một nhiều.

Marcos Araujo, 27 tuổi ở đông bắc Brazil, cho biết đã mất khoảng 2.000 USD từ khoản đầu tư vào We Save Moon. Anh đã rút hết những gì còn lại trước khi tiền số này sụp đổ. Araujo nói anh hầu như không thấy những cảnh báo từ hội RugSeekers trong nhóm Telegram vì mỗi ngày quá nhiều tin nhắn được gửi đến.

Robert Browning cho biết ông vẫn đầu tư, tham gia vào cộng đồng tiền mã hóa và lãi khoảng 80.000 USD năm nay. "Những gì chúng tôi đang làm chẳng thấm vào đâu so với làn sóng tiền mã hóa đang lớn mạnh trên khắp thế giới. Nhiều dự án lừa đảo nhưng cũng nhiều coin là kênh đầu tư tốt. Chẳng ai biết được một coin nào đó có thể tăng 15.000% trong ngày hôm nay", Browning nói.

Nguồn:Theo Bloomberg Sao chép liên kết
Tin liên quan