Trí tuệ nhân tạo phủ sóng nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Theo các chuyện gia, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có tốc độ phát triển nhanh, nếu biết khai thác kết nối mở sẽ giúp Việt Nam làm chủ công nghệ.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo AI NOW: Academic & Career do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và tập đoàn Naver tổ chức sáng 30/10.
Ông Trần Trung Hiếu, Founder & CEO TopCV, cho biết AI đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề. Tương lai ngành công nghiệp áp dụng AI ngày càng rộng mở, trong đó nổi trội về ứng dụng liên quan đến tự động hóa, các sản phẩm như xe tự lái, nhà thông minh dần trở nên hoàn thiện hơn dưới sự hỗ trợ của AI. "Chỉ khoảng 3 năm nữa, tự động hóa sẽ trở nên phổ biến, hỗ trợ cuộc sống con người dễ chịu hơn", ông Hiếu nói.
Các diễn giả chia sẻ tại chương trình (từ trái sang phải), ông Phạm Kim Cương, CEO Co-host AI; CEO TopCV ông Trần Trung Hiếu và ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc FUNiX xSeries.
CEO Co-host AI ông Phạm Kim Cương cho biết công nghệ AI giúp ngành dịch vụ, khách sạn hoạt động tối ưu hơn. Ông phân tích, ngành dịch vụ có rất nhiều yêu cầu, nhân lực cần phải đào tạo qua nhiều bước, nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với AI. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ AI có thể nắm bắt thông tin sử dụng dịch vụ của khách hàng, từ đó mang lại những giải pháp phù hợp với nhu cầu.
Nói về tiềm năng, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc FUNiX xSeries, nguyên trưởng nhóm R&D công ty Asilla Japan, nhận định AI sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục. Ông cho biết, AI sẽ là nhân tố chính giúp nền giáo dục cá nhân hóa. "Mỗi người có quỹ thời gian khác nhau, cá nhân hóa với trợ lý ảo sẽ giúp tìm được lộ trình phù hợp với năng lực", ông nói. AI cũng sẽ tác động về mặt trải nghiệm giáo dục và tìm ra nội dung học tập phù hợp với bản thân, tiếp cận tốt mục tiêu.
Các chuyên gia cho biết AI đang tác động nhiều khía cạnh trong cuộc sống, trong đó góp phần giúp kiểm soát đại dịch Covid-19, như ứng dụng thúc đẩy điều chế và thử nghiệm vaccine. Ông Trần Trung Hiếu đơn cử về việc AI phân tích dựa trên dữ liệu tiếng ho phát hiện Covid-19, từ đó giúp truy vết và dự đoán đỉnh dịch, khoanh vùng dịch. "Với những tình huống bất ngờ như Covid-19, sự hỗ trợ AI vô cùng quan trọng, giúp can thiệp, xử lý và hỗ trợ con người trong đời sống", ông Hiếu nói.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2025 lực lượng lao động sẽ phân chia tỷ lệ con người (chiếm 48%) còn máy móc và thuật toán (chiếm 52%). Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng nguồn nhân lực ngành AI, nhất là con người, rất quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. "Người ta cho rằng ứng dụng AI có thể lấy đi công việc của con người, nhưng điều này có thể mất tới 50 năm để thay thế. Trên thực tế, con người sử dụng AI như công cụ hỗ trợ giúp công việc dễ dàng hơn, thời gian lao động ít hơn nhưng hiệu quả cao", ông nói.
Ông Cương cho biết thêm, ngoài chuyên gia ngành AI, những người sử dụng và ứng dụng thành thạo trí tuệ nhân tạo cũng là nguồn nhân lực tiềm năng và rất cần thiết ở ngành này. "Với ngành khách sạn dịch vụ, rất cần những người xử lý và làm sạch dữ liệu để sử dụng trong các doanh nghiệp lớn", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Hải Nam cho biết các doanh nghiệp chuyên sâu về công nghệ, startup cũng có nhu cầu lớn về nhân lực về AI, trong đó có nhóm công việc liên quan đến tài nguyên AI như kĩ sư dữ liệu...