Công nghệ nối liền các chuỗi đứt gãy
Các nền tảng công nghệ hiện đang là giải pháp và xu hướng giúp doanh nghiệp duy trì kết nối với khách hàng và đảm bảo nhu cầu cung ứng.
Trong tọa đàm "Tương lai kinh tế số Việt Nam: Vai trò Thương mại điện tử sau Đại dịch Covid-19" tổ chức bởi liên minh ba làng công nghệ Fintech - Logistics - Cyber Security trong khuôn khổ Techfest 2021, các chuyên gia chia sẻ về các công nghệ kết nối đang mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, sàn Thương mại điện tử Vỏ sò, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn và sẽ tiếp tục tác động đến hành vi, tư duy của người tiêu dùng Việt trong tương lai theo hướng thích nghi với các giao dịch trực tuyến.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã phải dựa vào công nghệ để giải bài toán vận tải, quản lý kho bãi và hàng hóa, thanh toán nhanh chóng, an toàn cho khách hàng, trong đó có bài toán kết nối.
Các hoạt động giới thiệu sản phẩm cũng chuyển sang online bằng công nghệ thực tế ảo, trong đó IEX group đã cho ra mắt hàng loạt những giải pháp công nghệ thực tế ảo nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp. Internet Expo thu hút hơn 10.000 người tham gia ở khắp mọi nơi. Triển lãm sử dụng công nghệ giới thiệu sản phầm 360 độ và không gian trưng bày trực tuyến thông qua thực tế ảo VR. Nhờ công nghệ hỗ trợ, Virtual Event (sự kiện ảo) được tổ chức, các gian hàng ảo được sắp xếp giống như ngoài đời thực, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, kết nối khách hàng, tổ chức hội thảo, giao thương xuyên biên giới.
Ông Đinh Văn Lộc, trưởng ban tổ chức Internet Expo cho rằng, công nghệ thực tế ảo và giải pháp tổ chức sự kiện ảo là một cuộc cách mạng, giải pháp tạo ra nền tảng giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng các platform chung là giải pháp hữu ích, tạo nền tảng cho các sáng tạo mới, cơ hội cho các bên cùng thắng.
Các chuyên gia khẳng định, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thế giới phát triển theo xu hướng kỷ nguyên số, ứng dụng những đột phá về công nghệ thực tế ảo vào các lĩnh vực y tế, chính trị, an ninh, giải trí, du lịch, kinh doanh... Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố giúp nhiều quốc gia khống chế được dịch bệnh và còn bảo đảm được sự phát triển của nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của Grand view research, ngành sự kiện trực tuyến đã đạt doanh số 94 tỷ USD vào năm 2020. Đơn vị này dự báo, tốc độ tăng trưởng của mảng tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm trực tuyến sẽ lên tới 25%/năm. Đặc biệt, tại các quốc gia có sử dụng mạng 5G, nền kinh tế trải nghiệm sẽ càng bùng nổ mạnh.
Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á 2020 của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020.