Có thể 'lên đời' khí thải cho xe máy?

Theo chuyên gia, xe máy có khí thải vượt chuẩn, cần xử lý hệ thống đánh lửa và nhiên liệu, khe hở giữa xéc-măng và xilanh... để khí thải không sinh độc hại.

Ngày 12/11, Hà Nội triển khai chương trình "Xe sạch - Trời xanh" thí điểm đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội là địa phương thứ hai cả nước, sau TP HCM, thực hiện chương trình thí điểm đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy. Chương trình đo khí thải xe máy sẽ được triển khai trong khoảng một tháng. Xe đăng ký trước năm 2017 sẽ được tặng dầu nhớt, trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn sẽ được tặng gói bảo dưỡng 200.000 đồng. Xe đăng ký lần đầu trước năm 2002 sẽ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng để mua xe mới.

ThS Đỗ Tấn Thích, Khoa Cơ điện - Điện tử, Bộ môn ôtô, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, khí thải trên xe máy thường có những khí độc hại như CO, HC, NOx, mồ hóng... Khí xả đạt chuẩn khi có thành phần độc hại là ít nhất (không vượt chuẩn cho phép). Theo lý thuyết, khí xả xe máy sử dụng nhiên liệu xăng cháy hoàn hảo thì chỉ sinh ra các khí CO2, H2O và N2. Khí CO2 không độc, nhưng là thành phần gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên.

Xe máy có khí thải vượt chuẩn do nhiều nguyên nhân. Có thể quá trình cháy diễn ra không hoàn hảo do hòa khí (xăng - gió) không đúng tỷ lệ. Thực tế, muốn đốt cháy hoàn toàn 14.7 kg không khí thì cần 1 kg nhiên liệu xăng (chỉ số A/F = 14.7/1.0). Khi tỷ lệ hòa khí này vượt xa tỷ lệ trên sẽ sinh ra khí xả độc hại.

Dựa vào phản ứng cháy của nhiên liệu trong buồng đốt, trong hòa khí (kể cả nhiều xăng ít gió, hay ít xăng nhiều gió) đều dẫn đến cháy không triệt để, khí xả ra ngoài môi trường sẽ có thành phần HC, một chất rất độc hại.

"Hòa khí không đúng tỷ lệ, vượt qua xa (lớn hoặc nhỏ) so tỷ lệ (A/F = 14.7/1.0) thì sẽ sinh ra khí độc hại, nhất là khí HC. Tỷ lệ hòa trộn của hòa khí không đều cũng làm cho quá trình cháy diễn ra không hoàn hảo", ThS Đỗ Tẫn Thích nói. Những chiếc xe xả khói màu đen chính là do nguyên nhân này.

Hệ thống đánh lửa cũng là một nguyên nhân cản trở quá trình cháy. Đánh lửa quá sớm hoặc quá muộn, năng lượng tia lửa không đủ mạnh sẽ khiến điện cực bugi bị mòn, làm cho chế hòa khí khó cháy hoàn hảo. ThS Đỗ Tấn Thích nêu hiện tượng xe máy xả khói có màu trắng là do dầu bôi trơn lọt vào buồng đốt, xéc-măng bị mòn hoặc do hỏng phốt xupap.

Đa phần nguyên nhân xe máy có khí thải vượt chuẩn là do lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống nhiên liệu, quá trình cháy và hệ thống đánh lửa. Để xử lý, không có công nghệ nào áp dụng chung mà tùy từng trường hợp sẽ có giải pháp phù hợp. Để biết xe có đạt chuẩn khí thải hay không, chỉ có cách đo kiểm nồng độ khí xả bằng thiết bị chuyên dụng.

Khu vực đo kiểm khí thải xe máy tại một hãng. Ảnh:Gia Chính

Theo ThS Thích, để khắc phục vấn đề khí thải, cần xử lý những bộ phận liên quan đến hệ thống đánh lửa và hệ thống nhiên liệu. Cần lưu ý khe hở giữa xéc-măng và xilanh bằng cách thay xéc-măng hoặc làm lại xilanh.

Đa số các xe có niên hạn lâu năm, khí xả vượt chuẩn, thường sử dụng chế hòa khí chứ không phải phun xăng điện tử. Có thể phục hồi lại bộ chế hòa khí như thay bộ kim bạc mới. Các linh kiện khác cũng cần kiểm tra cụ thể. Ông Thích cho biết, công đoạn này rất công phu, tốn thời gian, tốn tiền. Những xe có niên hạn tuổi đời quá lớn, đôi khi bình xăng con không thể phục hồi thì khó có thể thay thế.

Theo ThS Lê Hữu Chúc, giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, việc thay thế phụ tùng xe máy liên quan đến khí thải không quá phức tạp. Đối với những xe máy quá cũ, do sử dụng công nghệ chế hòa khí nên phát thải cao, dùng lâu nên cụm pittong, xilanh, xéc-măng, xupap, hệ thống đánh lửa... xuống cấp. Các linh kiện này có thể thay thế được, nhưng người dùng cần lưu ý, dù có thay thế hết các linh kiện đó, khả năng xả thải vẫn cao do động cơ, hệ truyền động đã hao mòn, không thể khắc phục. Trong khi đó chi phí để thay thế linh kiện là cao so với xe máy cũ, lên đến vài triệu đồng.

"Bản thân kết cấu cơ khí đã không chính xác thì không thể khắc phục", ThS Chúc nói. Nếu sửa chữa bằng cách bê nguyên máy phun xăng điện tử vào thì phải xử lý cả hệ thống truyền lực phía sau, chi phí này đắt gần bằng mua xe mới. Các dòng xe sản xuất hiện nay đều đã chuyển sang kết cấu điện tử. Ngay cả với xe phun xăng điện tử, số xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải trên thị trường hiện nay không nhỏ.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, sẽ không cháy hết mà xả thải vào không khí chất độc của các khí thông thường và cả muội than rất độc hại. Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi đỗ dừng, xe xả ra một lượng khí thải rất lớn. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.

Tác giả: Tô Hội
Nguồn:vnexpress.net Sao chép liên kết
Tin liên quan