Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Cần sự quyết liệt của địa phương

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành điện quản lý, thế nhưng mục tiêu này khó đạt được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Khó đạt mục tiêu

Theo báo cáo của Công ty Điện lực (PC) Thái Bình, đến hết tháng 9/2015, đơn vị này mới bán điện trực tiếp đến 199 xã trên tổng số 270 xã của toàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn 71 xã do các hợp tác xã dịch vụ điện năng quản lý chưa bàn giao.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc PC Thái Bình - cho biết, mặc dù chính quyền tỉnh và các huyện ở Thái Bình đã có văn bản chỉ đạo các xã vẫn còn hợp tác xã dịch vụ điện năng (tổ chức điện nông thôn) sớm bàn giao cho ngành điện. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp khó khăn vì nhiều xã chưa thống nhất chủ trương. Ngoài ra, một số tổ chức điện nông thôn quản lý kém dẫn đến việc thu - trả tiền điện cho PC Thái Bình có nguy cơ khó đòi.

Tình trạng nêu trên không chỉ ở Thái Bình mà còn diễn ra trên khắp cả nước. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết quý II/2015 vẫn còn 1.112/9.017 xã, với 2,39 triệu hộ dân nông thôn do các tổ chức điện nông thôn chưa được bàn giao. Điều này gây bức xúc cho người dân vì phải chịu chất lượng và dịch vụ yếu kém, nhiều nơi vẫn phải mua điện giá cao, nhất là điện 3 pha phục vụ sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ nhiều địa phương cố kéo dài thời gian bàn giao vì các tổ chức điện nông thôn vẫn còn lợi nhuận từ khoản chênh lệch giữa giá mua buôn và bán lẻ. Một số chấp nhận bàn giao nhưng lại chưa thống nhất về phương án chi trả; hoặc thiếu hồ sơ theo yêu cầu của Thông tư liên tịch 32/2013/BCT-BTC ngày 04/12/2013 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; hoặc yêu cầu ngành điện phải tiếp nhận hết số cán bộ, nhân viên đang làm việc trong các tổ chức này. Tới khi lưới điện xuống cấp họ mới bàn giao, khi đó, ngành điện từ chối không được mà tiếp nhận sẽ phải đầu tư nhiều tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo lưới điện nhằm giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng cấp điện cho người dân.

 

Tiếp nhận LĐHANT đồng nghĩa với việc phải đầu tư nâng cấp.

 

Cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương

Việc tiếp nhận lưới điện là nhằm thực hiện Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, giúp người dân được hưởng giá điện đúng theo quy định của nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định, phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế của nhân dân. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận lưới điện cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng và nhà nước (tiêu chí số 4).

Câu hỏi đặt ra là, một chủ trương đúng đắn và được nhân dân đồng tình ủng hộ nhưng tại sao tiến độ bàn giao LĐHANT ở một số địa phương lại chậm như vậy? Phải chăng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương? Theo ông Tuấn, để công tác tiếp nhận LĐHANT thuận lợi, đúng tiến độ, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh, huyện để các xã và tổ chức điện nông thôn sớm đăng ký bàn giao. Đối với các HTX đã thống nhất bàn giao, đề nghị Hội đồng định giá tỉnh, UBND tỉnh sớm phê duyệt để ngành điện có cơ sở tiếp nhận, hoàn trả vốn đầu tư theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 32/2013/BCT-BTC ngày 04/12/2013 của liên bộ Công Thương và Tài chính.

Một số ý kiến cho rằng, đối với những tổ chức điện nông thôn hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thì chính quyền địa phương nên có chỉ đạo quyết liệt để bàn giao cho ngành điện sớm nhất.

 

 

Theo icon.com.vn

Tác giả: Theo icon.com.vn
Tin liên quan