Hiện thực hóa “ước mơ có điện” của đồng bào biên giới

Bù Đốp là huyện có 7 xã đều giáp biên giới giáp với Campuchia của tỉnh Bình Phước. Trước đây cuộc sống của người đồng bào rất vất vả nhưng từ khi có điện lưới quốc gia việc làm ăn của nhiều hộ dân đã khấm khá hơn.

Đời sống người dân Bù Đốp khấm khá hơn khi có điện

Để hỗ trợ cuộc sống của đồng bào thêm ấm no, góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đưa điện lưới quốc gia vượt rừng, giúp trên 93% số hộ dân người Tày, Nùng, Khmer, Châu Mạ… có điện để sử dụng sinh hoạt và phục vụ công việc canh tác nương rẫy.

Ông Dương Minh Khoa - Bí thư Chi bộ ấp 9, xã Thanh Hòa (xã còn nhiều khó khăn nhất huyện Bù Đốp) - cho biết, ấp 9 hiện có 270 hộ, kinh tế đa số đều khá và trung bình, chỉ có 9 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây đang hồi sinh từng ngày nhờ 2 năm trước EVNSPC đầu tư 2 tỷ đồng để đưa điện về phục vụ bà con.

Ông Thạch Văn Lâm, người dân tộc Khmer có gần 1 mẫu đất trồng cây công nghiệp nói, nhà tôi mỗi tháng xài khoảng 400.000 đồng tiền điện nhưng lại bớt được một nhân công chăm sóc, nhờ đó lợi nhuận tăng thêm được gần phân nửa so với khi chưa có điện.

Đồng bào Bù Đốp dùng điện để sản xuất chi phí chỉ bằng 30% so với sử dụng máy nổ chạy bằng dầu. Ông Vũ Viết Duy - Chủ tịch xã Thanh Hòa cho biết, vì lợi ích của việc dùng điện, tại ấp 4 xã Thanh Hòa, 40 hộ dân vừa cùng nhau góp 300 triệu đồng để kéo điện về ấp. Ngoài số vốn dân góp, ngành điện Bình Phước đã chi thêm 800 triệu đồng để hiện thực hóa “ước mơ có điện” của người đồng bào nằm dọc sát biên giới. Theo ông Duy, điện về không chỉ làm cho kinh tế của người đồng bào biên giới hồi sinh mà còn góp phần bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Nhờ có điện, việc tưới tiêu cây trồng đã dễ dàng hơn

Bản làng đổi thay

Không chỉ có Thanh Hòa, các xã biên giới như Hưng Phước, Phước Thiện, Tân Thành, Tân Tiến và Thiện Hưng của huyện Bù Đốp điện lưới quốc gia hiện cũng đã bừng sáng tại các bản làng.

Ông K’lam Doanh, người Châu Mạ ở xã Tân Tiến hồ hở khoe, điện về bản làm thay đổi các thói quen sinh hoạt, cuộc sống văn minh hơn vì nhà mình xài được ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh, con cái được học hành sáng sủa. Ông Hoàng Văn Tú, người Tày, ngụ xã Phước Thiện không dấu được niềm vui nói, trước kia do thiếu điện cuộc sống của đồng bào lạc hậu lắm và khó làm ra tiền. Từ khi bản có điện, người dân trồng thêm cây, nuôi thêm gà lợn và gian khó trong cuộc sống giảm đi từng ngày.

Khi khó khăn giảm đi, nhiều người không còn tính đến chuyện dời cứ mà vui vẻ ở lại bám đất, bám bản và chỉ chú tâm vào sản xuất.

Huyện Bù Đốp là địa bàn biên giới, đất rộng dân cư lại thưa nên việc kéo điện vào từng hộ dân là khâu khó của ngành điện. Giám đốc Điện lực Bù Đốp - Mai Quy Tiên cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện đưa điện lưới quốc gia đến với đồng bào biên giới, đến nay chỉ còn 7% hộ dân thiếu điện. Theo ông Tiên, mặc dù có những nơi để đưa điện đến phục vụ cho khoảng 10 hộ dân, ngành điện phải kéo một đường dây dài khoảng 3 - 4 cây số. Tuy nhiên, số hộ dân chưa có điện thuộc những khu vực hẻo lánh cũng sẽ được ngành điện đầu tư trong nay mai nhằm giúp bà con phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Năm 1938, Bù Đốp có 6 bản người dân tộc thiểu số và 1 làng người Kinh. Bù Đốp nay thuộc tỉnh Bình Phước với hơn 45.000 người, trong đó hàng chục ngàn đồng bào thiểu số đang cùng nhau sinh sống và từng bước làm giàu nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và sử dụng điện lưới quốc gia hiệu quả.

Theo Báo Công thương

Tác giả: Theo Báo Công thương
Tin liên quan