Quyết sách của Hà Nội

Thỉnh thoảng có người lạ nhắn tin tâm sự với tôi, qua mạng xã hội:

"Em làm kinh doanh tiệm tóc, đóng cửa mấy tháng nay, tiền nhà vẫn phải đóng đều, cộng thêm rất nhiều khoản linh tinh. Mỗi lần nghe tin kéo dài giãn cách em buồn quá, không biết gồng được đến bao giờ đây... suốt ngày ru rú một mình ở tiệm, chẳng biết làm gì, cũng chẳng biết trách ai".

Nóng: Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ ngày 24/7 |=> Đăng  trên báo Bắc Giang

Hiện nay Hà Nội tiếp tục thực hiện cách biệp pháp phòng chống dịch bằng cách phân vùng mức độ nguy cơ lây nhiễm

Chúng tôi không quen biết nhau, nên gọi đó là tâm sự cũng không hẳn. Đơn giản chỉ là lời thở than cho nhẹ lòng, bởi cậu ấy có lẽ cũng không dám nói với ai.

Giống như nhiều địa phương "vùng đỏ" trên cả nước, người dân Hà Nội đang gồng lên trong giãn cách. Và như mọi lực sĩ dù khỏe nhất, khi đã gồng lên cũng có nghĩa chỉ còn cách giới hạn chịu đựng cuối cùng không xa nữa.

Vậy bài toán đặt ra cho những người đang chèo lái Thủ đô là rút ngắn khẩn cấp thời gian phải "gồng" của nhân dân, hay là khen ngợi họ khỏe và động viên cố gắng "gồng" tiếp? Tôi e rằng, cách thứ hai đang rõ nét hơn.

Hãy lấy ví dụ gần đây nhất. Ngày 5/9, một lễ khai giảng online chưa từng có được tổ chức. Những lời nức lòng đã được phát biểu trong các diễn văn gửi tới hơn hai triệu học sinh các cấp và hơn 15.000 cán bộ giáo viên toàn thành phố: "chủ động hơn, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả những giải pháp; biến thách thức thành cơ hội; đạt kết quả nổi bật...".

Ngay sáng hôm sau, 6/9, Hà Nội áp dụng biện pháp giãn cách mới. Nhiều gia đình có con cấp tiểu học vẫn loay hoay với việc chọn sách giáo khoa nào hoặc chưa mua đủ sách và vở viết, chưa có phương tiện học online, nhiều trường vẫn chưa thể phân loại xếp lớp. Diễn biến có phần trái ngược giữa lời nói và việc làm đó khiến nhiều phụ huynh thở dài rằng, thực ra việc học của bọn trẻ có khác gì đâu.

Nếu tạm coi thông điệp dành cho dân chúng là hãy cố gắng hơn và cùng giãn cách thêm, thì mục tiêu cụ thể của quyết sách ấy là gì?

Mục tiêu chiến lược mà Hà Nội đặt ra đến ngày 12/9 là xét nghiệm toàn dân, đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành tiêm mũi một cho 100% người trên 18 tuổi.

Thử nhìn vào con số đã triển khai. Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số mẫu xét nghiệm từ 29/4 đến nay là gần ba triệu mẫu. Trong đó, xét nghiệm tại cộng đồng khoảng 2,8 triệu và hơn 800 nghìn mẫu xét nghiệm trong bệnh viện. Xin nhấn mạnh, con số trên là của năm tháng. Còn bây giờ là xét nghiệm toàn bộ 9 triệu dân trong hai tuần.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, năng lực hiện tại của Thành phố là 1.000 dây chuyền tiêm chủng, tối đa 1.200 dây chuyền, có thể đáp ứng 200.000 mũi tiêm mỗi ngày. Thời gian qua, có ngày đạt đến 150.000 mũi tiêm.

Thành phố còn một tuần nữa để "chạy" mục tiêu xét nghiệm và tiêm chủng toàn thành. Kịp hay không, những nhà khoa học quản trị hoàn toàn có thể tính toán và dự liệu được trên số liệu thực tế. Và thời gian sẽ trả lời. Còn người dân, với liên miên các đợt giãn cách, các lệnh cấm, và các loại giấy phép con, giấy đi đường, nên tin vào mốc giữa tháng 9 không?

Bất cứ kế hoạch nào đều cần gắn với một mục tiêu ở đích đến. Mốc thời gian cụ thể như giãn cách càng phải gắn với một mục tiêu. Và thực tế, dân chúng chưa từng được biết về các mục tiêu cụ thể cũng như kết quả sau khi kết thúc mỗi đợt giãn cách. Chưa kể giữa những lần giãn cách, chính sách giấy đi đường thay đổi liên tục, khiến cả dân chúng và cán bộ chấp pháp bùng nhùng trong ma trận.

Điều người dân như tôi cần là Thành phố công khai mục tiêu và kết quả sau mỗi đợt giãn cách với thông tin rõ ràng. Sự tường minh là biểu hiện của các quyết sách hiệu quả, do đó dễ thực thi và thuyết phục dân chúng đồng lòng thực hiện.

Người Hà Nội đã trải qua gần hai tháng giãn cách theo một cách đáng nể, nhưng có lẽ đã tiệm cận điểm giới hạn. "Hy vọng các bác lãnh đạo sớm tìm ra phương án dập dịch hiệu quả để ngày nới giãn cách đến sớm anh ạ", bạn thợ làm tóc nhắn, "chứ e gồng hết nổi rồi".

Đêm khuya, ở những góc phố vắng, gầm cầu, cổng bệnh viện, đã lại xuất hiện những người vô gia cư với dáng vẻ còn tiều tụy hơn trước nhiều lần. Xẩm tối và tảng sáng, Hà Nội đã xuất hiện những chợ cóc kiểu du kích, nơi mà người bán và người mua vừa vội vã vừa lén lút tranh thủ đến từng phút.

Đó là những giọt nước đầu tiên sánh ra khỏi miệng ly.

Tác giả: Gia Hiền
Nguồn:Theo VNexpress Sao chép liên kết
Tin liên quan