Quy hoạch phù hợp đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tập trung hoàn thiện Chiến lược, quy hoạch phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050. Hoàn thiện cơ chế chính sách, có giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng.

Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo hàng đầu Đông Nam Á. (Ảnh: Báo TN&MT)

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về những nhiệm vụ, giải pháp của ngành năm 2022.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều đột phá trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực TN&MT. Năm 2022, Bộ TN&MT tập trung các nhiệm vụ nào trong xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu giúp Chính phủ, nhằm nâng cao công tác quản lý, phát triển ngành?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn được đặt ở vị trí trung tâm cao nhất trong Chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong 5 năm qua, Bộ đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành đồng bộ hệ thống chủ trương chính sách, pháp luật đầy đủ, thống nhất trên các lĩnh vực quản lý (gồm 01 Nghị quyết của BCH Trung ương; 03 Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư;  02 luật, 02 nghị quyết của Quốc hội; 40 nghị định, 13 quyết định, hơn 240 thông tư), thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tư duy làm chính sách cũng được đổi mới chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, chú trọng tổng kết, đánh giá sát thực tiễn, phân tích dự báo xu thế phát triển trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để chính sách không chỉ đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.

Với cách làm đó các văn bản được ban hành có tính khả thi cao. Có những văn bản được các cơ quan quản lý ở địa phương, doanh nghiệp, người dân mong chờ ban hành, có hiệu lực.

Và trong nhiệm kỳ năm 2021 - 2025, hoàn thiện thể chế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của ngành tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung tổng kết Nghị quyết số 19 về đất đai, Nghị quyết số 24 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH; trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Luật đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Địa chất và Khoáng sản…

Trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản dưới Luật giải quyết ngay các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn qua rà soát, đánh giá của các địa phương. Ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: TL)

PV: Tại COP26, cam kết mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 rất phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu COVID-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua. Thưa Bộ trưởng, tuyên bố mang tính lịch sử này có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta hiện nay? Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để chuyển đổi nền kinh tế xanh?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN).

Tại Hội nghị COP26, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp, sự kiện quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Việt Nam. Điều đó đã thể hiện tầm nhìn thời đại, quyết tâm và cam kết chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Đồng thời, những tuyên bố chính trị của Thủ tướng Chính phủ cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu, đồng thời cũng chính là giúp Việt Nam vượt qua thách thức nghiêm trọng do BĐKH hiện nay.

Chúng ta cũng đã tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như cam kết không xây dựng mới điện than; cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu... Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hoà cùng với xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải. Các cam kết của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo các nước, các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá cao.

Trên thực tế, để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng; trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với BĐKH, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu minh bạch…

Thỏa thuận đạt được đã mang lại lợi ích kép cho Việt Nam. Trước hết là quốc gia chịu tác động của BĐKH chúng ta có lợi ích rất lớn từ cam kết giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C giảm nhẹ thiệt hại đối với các đồng bằng ven biển; phát huy được tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ hai, là chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về “luật chơi” mới về thương mại, kinh tế toàn cầu. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dòng tín dụng, đầu tư cho hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng.

Chúng ta đã khẩn trương triển khai thực hiện cam kết với việc trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và xây dựng đề án để triển khai thỏa thuận.

Trong thời gian tới toàn ngành sẽ tập trung hoàn thiện Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp.

PVMột trong những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về mô hình phát triển mới này. Theo Bộ trưởng, đâu là những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trên thế giới hiện nay, bên cạnh các mô hình như kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp thì kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Bài học thành công của Hà Lan, Đức, Phần Lan và Đan Mạch, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, chuyển đổi số.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, vừa qua chúng ta đã hoàn thiện thể chế với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó:

Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…

Thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như: điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như: công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.

 PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), phát thải ròng bằng không là khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định. Nói một cách đơn giản, ở cấp độ toàn cầu, cần cân bằng giữa lượng khí nhà kính (KNK) con người đưa vào bầu khí quyển với lượng KNK thải ra khỏi bầu khí quyển. Có nghĩa là không đưa thêm KNK vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, con người cũng cần phải ứng phó với những tổn hại trong quá khứ, vì ngay cả khi đã đạt được phát thải ròng bằng không, vẫn phải đối phó với tác động của lượng KNK mà chúng ta đã phát thải trước đó vào bầu khí quyển.

Tiến tới mức phát thải ròng bằng không có nghĩa là chúng ta vẫn có thể phát thải vào bầu khí quyển một lượng KNK, miễn là có thể bù đắp bằng các quá trình loại bỏ KNK từ bầu khí quyển. Ví dụ, đó có thể là trồng rừng mới hoặc sử dụng các công nghệ thu hồi. Càng phát thải nhiều, con người càng cần loại bỏ nhiều KNK khỏi bầu khí quyển để đạt mức phát thải ròng bằng không.

Nguồn:Theo Đảng Cộng sản Việt Nam Sao chép liên kết
Tin liên quan