Quy hoạch điện VIII phải giải được nỗi lo 'thừa - thiếu' điện

Một quy hoạch điện tốt thì phải xác định được chính xác nhu cầu tiêu dùng điện là bao nhiêu, vào lúc nào, ở đâu. Đây là câu hỏi đầu tiên và rất quan trọng để đánh giá hiệu quả của quy hoạch.

GS.Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhấn mạnh  rằng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cần phải tính được chính xác cung - cầu ngành điện.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án Bộ Công Thương trình vào tháng 3/2021, ông có bình luận gì?

Thực tế một trong những vấn đề lâu nay bàn nhiều nhất trong quy hoạch điện VIII, chính là vấn đề nguồn điện, trong đó cần xác định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo, nhiệt điện than với các nguồn khác bao nhiêu thì phù hợp.

Để có kết quả thì phải tính toán một cách chi tiết. Chúng ta muốn giảm dần tỷ lệ điện than, thay bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phát triển quá nhanh năng lượng tái tạo thời gian qua cũng gây ra một số vấn đề trong vận hành. Vì vậy, các chuyên gia cũng như nhà quản lý còn phân vân chỉ số giá trị của công suất nguồn, phân bố các loại nguồn thế nào.

GS.Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

Dự kiến tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50% vào năm 2045. Tuy nhiên, một trong vấn đề đau đầu hiện nay còn là việc các địa phương ồ ạt xin bổ sung dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch?

Tôi cho rằng muốn giảm tỷ lệ điện than thì cần phát triển tốt năng lượng tái tạo. Làm sao nguồn năng lượng tái tạo phải thay thế được các dạng năng lượng truyền thống như điện than. Nếu chưa thay thế kịp thì chắc chắn tỷ lệ nguồn điện than chưa thể giảm nhanh.

Còn về phía các địa phương, hiện nay với tâm lý lo ngại phát triển điện than sẽ ô nhiễm môi trường, khó xử lý chất thải trong khi xu hướng phát triển là điện mặt trời, điện gió. Vì vậy, một số địa phương mới đề xuất bổ sung dự án. Tuy nhiên điều này cũng cần tính toán, cụ thể Viện Năng lượng - cơ quan lập Quy hoạch cần tính toán cân đối lại giữa nguồn và lưới điện để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.

Điều này đúng như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đặt ra, đó là yêu cầu mỗi địa phương phải xác định phát triển phải đồng thời phát triển cho cả đất nước, vì lợi ích chung.

Theo ông, để hiệu quả thì Quy hoạch điện VIII phải đáp ứng những yêu cầu gì, tránh tình trạng Quy hoạch mới ra đời đã trở nên "lỗi thời"?

Sở dĩ trước đây khi làm quy hoạch vừa thông qua đã thấy không phù hợp vì nhu cầu xác định không chuẩn. Do vậy, cơ quan lập quy hoạch phải đi sâu, đi sát, tìm hiểu thật chi tiết những yêu cầu, xuất hiện ở đâu, vào thời điểm nào, giá trị của nó ra sao... Quy hoạch phải trả lời chính xác những câu hỏi đó, dự báo chính xác nhu cầu và bám sát với thực tế.

Quy hoạch điện VIII phải bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tính toán nhu cầu năng lượng về điện, than, dầu, khí trong từng thời kỳ. Đấy là bài toán đầu tiên, tránh việc suốt ngày chúng ta lo thiếu điện hoặc thừa điện.

Để làm tốt những vấn đề này, tôi cho rằng khâu thẩm định Quy hoạch rất quan trọng, bởi chính chất lượng thẩm định sẽ ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch, sự phát triển của ngành điện. Do vậy, năng lực của các thành viên trong Hội đồng thẩm định cần được nâng cao. Thành viên thẩm định phải là những người hiểu biết tốt về ngành điện, đưa ra những quyết định có lợi cho quốc gia thay vì lợi ích của một cá nhân hay tổ chức nào khác.

Vậy vai trò của EVN trong Quy hoạch thì thế nào thưa ông? Mới đây, EVN cam kết không điều chỉnh giá điện nhưng lợi nhuận có thể bằng 0?

EVN đóng vai trò quan trọng trong cung ứng điện, chịu trách nhiệm chính trong thực thi quy hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu, không để thiếu điện, tránh việc phát triển mất cân đối giữa nguồn và lưới gây trục trặc trong vận hành hệ thống điện.

Về giá mua điện - đây là yếu tố quan trọng quyết định các nhà đầu tư rót vốn vào điện mặt trời, điện gió. Nếu giá điện đảm bảo lợi nhuận hợp lý thì họ đầu tư, còn đầu tư không có lời thì khó thu hút vốn tư nhân.

Còn giá bán điện, nếu đã nói kinh tế thị trường, thì EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tạo ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ bao nhiêu. Nếu tính đủ mà cần thiết thấy rằng phải tăng giá thì Nhà nước cũng cần xem xét để điều chỉnh. Ngược lại nếu chi phí đầu vào giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện phát được nhiều điện, thì giá điện cũng cần được điều chỉnh giảm. Tuy vậy, những năm qua giá điện gần như chỉ có tăng mà rất ít khi giảm. Do đó, dẫn tới tình cảnh bên bán cứ muốn tăng, còn người tiêu dùng thì muốn giảm.

Tác giả: PV
Nguồn:evn.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan