PTC1 đạt được nhiều bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số

Năm 2021 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lấy mục tiêu chuyển đổi số làm chủ đề của năm. Theo đó, Công ty Truyền tải điện 1 đã xác định chuyển đổi số là việc  làm quan trọng, và cũng là cơ hội để ngành truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số.Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Công ty Truyền tải Điện 1 (PTC1) đã gắn liền chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Nhằm hiểu rõ hơn về những kết quả và kế hoạch mà PTC1 đạt được trong thời gian qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Công Tố - Trưởng phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin.

Ông Đỗ Công Tố - Trưởng phòng Viễn thông và Công nghệ Thông tin 

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về những kết quả trong công tác chuyển đổi số của PTC1 đạt được cho đến thời điểm hiện nay?

Ông Đỗ Công Tố: Chuyển đổi số của PTC1 trong thời gian qua đã thực hiện giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực Quản trị, Quản lý vận hành, Đầu tư xây dựng, Nền tảng số và An toàn thông tin, Truyền thông chuyển đổi nhận thức và đào tạo. Từ cơ sở đó, PTC1 đã đạt được 1 số các thành tựu nổi bật, có thể kể đến như: Toàn bộ quy trình làm việc, luồng công việc cốt lõi được cải cách và số hóa hoàn toàn. Xây dựng 1 cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung 1NPT. Đối với công tác văn phòng cũ đã chuyển sang văn phòng số; 100% các gói thầu thực hiện qua hệ thống đấu thầu quốc gia.

Trong lĩnh vực vận hành và khoa học công nghệ nổi bật với 16 chủ đề, như: Quản lý kỹ thuật đường dây truyền tải điện, quản lý viễn thông và công nghệ thông tin, định vị sự cố, quản lý tri thức, quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013,…. Ngoài ra, hiện nay tại PTC1 có 100% CBCNV đạt chuẩn sử dụng CNTT Quy định tại khoản 1, điều 2, Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

PV: Thưa ông! Hiện Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đang thực hiện nghiên cứu ứng dụng những khoa học công nghệ nào vào việc quản lý vận hành đường dây và TBA?

Ông Đỗ Công Tố: Trong những năm vừa qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được đẩy mạnh hơn bao giờ hết trong ngành điện nói chung. Vì thế, PTC1 cũng không nằm ngoài công cuộc đó với rất nhiều các công nghệ được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng hiệu quả và năng suất công việc.

Trong đó, về phần đường dây nhấn mạnh có thể kể đến như: Sửa chữa đường dây nóng (hotline); rửa sứ online; định vị sự cố đường dây; camera kết hợp trí tuệ nhân tạo lắp trên cột giám sát hành lang tại những điểm có nguy cơ mất an toàn cao; ứng dụng thiết bị bay không người lái trong kiểm tra giám sát; hệ thống quản lý đường dây trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích ảnh; hệ thống quan trắc, cảnh báo giông sét. Ứng dụng công nghệ Lidar kết hợp UAV trong công tác kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cũng đã được PTC1 nghiên cứu thử nghiệm thực tế, với những công cụ mạnh mẽ giúp xây dựng dữ liệu 3D của đường dâyvà tính toán, cảnh báo vi phạm hành lang tự động giúp hỗ trợ cho công tác quản lý vận hành, đặc biệt là đối với những khu vực có địa hình phức tạp, khó tiếp cận; đây cũng chính là một nội dung mà hiện nay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia rất quan tâm.

Đối với phần Trạm biến áp (TBA) PTC1 đã triển khai: Trạm biến áp không người trực/trạm điều khiển xa; trạm biến áp số; ghi sự cố; Ứng dụng camera kết hợp trí tuệ nhân tạo trong kiểm soát ra vào TBA/Phòng điều hành; ứng dụng camera soi phát nhiệt kết hợp trí tuệ nhân tạo cảnh báo những điểm quá nhiệt tại sân TBA; tường rào điện tử kết hợp camera giám sát trong cảnh báo đột nhập tường rào.

Ngoài ra, PTC1 triển khai nhiều ứng dụng khác phục vụ cho kiểm tra, giám sát từ xa dữ liệu tại TBA như: Hệ thống dầu online, giám sát bản thể máy biến áp, giám sát nguồn - ắc quy, giám sát hệ thống mạng….

TBA 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng) là công trình trạm biến áp số đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), do PTC1 quản lý và vận hành.

PV: Ngoài việc chuyển đổi số được áp dụng trong việc quản lý vận hành đường dây, TBA thì hiện nay đơn vị đã triển khai trong khối văn phòng như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Công Tố: Bên cạnh 15 phần mềm dùng chung đang triển khai như: Thư viện tài liệu, văn phòng số, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý nhân sự,… PTC1 cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý giao ban, quản lý công việc tuần (quản lý công việc của Phòng ban, đơn vị trên phần mềm, tích hợp chức năng cảnh báo, cập nhật tiến độ công việc), quản lý kế hoạch truyền tải điện, quản lý đảng viên, kho dữ liệu dùng chung.

Hiện PTC1 đã trang bị thiết bị di động cho CBCNV phục vụ vận hành và hội nghị, họp trực tuyến.

Đồng thời thực hiện đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, văn hóa số và an toàn thông tin trên môi trường mạng trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PV: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thì đâu là những khó khăn, thách thức của PTC1 thưa ông? Ngoài ra ông có thể chia sẻ thêm một số kinh nghiệm trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện của PTC1 quản lý khi thực hiện chuyển đổi số?

Ông Đỗ Công Tố: Khó khăn thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của PTC1 theo tôi nghĩ có những điểm then chốt sau: Tư duy cũ và tư duy tầm nhìn số, tốc độ thay đổi của công nghệ mới. Đâu là hiệu quả của cách làm mới, trông chờ vào giải pháp hoàn hảo. Năng lực của nhân sự không theo kịp sự thay đổi.

Tiếp theo đó là vấn đề công nghệ truyền tải điện, như đã biết, ngành truyền tải được thành lập từ những năm 1980 của thế kỉ trước, cấp điện áp cao áp và siêu cao áp, tầm quan trong của việc cung cấp điện…. Những yếu tố này khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu áp dụng thiết bị IoT trong thu thập, giám sát hệ thống điện.

Thêm vào đó, xử lý dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu là vấn đề khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong thời gian qua.

Nhận thức được những điều này để từ đó chúng tôi đã phân kỳ, phân chia giai đoạn để thực hiện cho bằng được mục đích PTC1 trở thành doanh nghiệp số.

/upload/81916/20221004/graba366f09_20210825122227.png

Ngoài việc áp dụng khoa học công nghệ số trong quản lý vận hành đường dây. Đến nay PTC1 đã tăng cường số hóa, cập nhật lên phần mềm ứng dụng.

PV: Thưa ông, PTC1 đã có kế hoạch gì để hoàn thành chương trình mục tiêu chuyển đổi số trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Ông Đỗ Công Tố: Kế hoạch đặt ra để hoàn thành chương trình mục tiêu CĐS trong năm 2022 và các năm tiếp theo đã được lãnh đạo công ty chỉ đạo cụ thể tại các cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số của PTC1, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề trọng tâm cần thực hiện như: Xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung toàn hệ thống 1NPT. Nâng cấp hạ tầng số, hệ thống máy chủ lưu trữ (hoàn thành trong năm 2022); hoàn thiện các hệ thống giám sát (giám sát TBA, giám sát hệ thống mạng, hệ thống thông tin,…). Đánh giá rủi ho hệ thống quy trình và số hóa quy trình (94 quy trình quản lý nội bộ).

Đồng thời PTC1 đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào mọi mặt hoạt động của công ty, trong đó chú trọng vào lĩnh vực điều hành sản xuất (quản lý sự cố, quản lý thí nghiệm, quản lý đầu tư,…) và quản lý vận hành (Giám sát điều khiển xa, nâng cấp hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ trong QLVH đường dây, TBA,…).

Như chúng ta đã biết, những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đem lại một số kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng. Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nội dung chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và có lộ trình, bước đi thích hợp với việc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc tham chiếu khung đánh giá độ trưởng thành chuyển đổi số của các tổ chức, hiệp hội uy tín trên thế giới cũng là cách chúng tôi tự nhìn lại mình để hướng đến PTC1 là doanh nghiệp số.

Trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn này!

Tác giả: Quốc Chiêu
Tin liên quan