PC Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số

Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Điện Việt Nam đã và đang có những bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Năm 2021, với chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, các đơn vị trong toàn EVN nói chung và Công ty Điện lực Hà Tĩnh Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác chuyển đổi số. Nối tiếp những thành tựu đạt được trong sản xuất kinh doanh và chuyển đổi số thời gian qua, tập thể CBCNV PC Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số.

Theo đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động giai đoạn năm 2021–2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm nhiệm vụ cụ thể từng tháng, từng quý, với các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch và vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, việc ứng dụng số hóa nhằm cải tiến dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tăng tính kết nối, hỗ trợ khách hàng nổi bật là tiếp nhận các yêu cầu về điện qua cổng dịch vụ công, đa dạng hoá các hình thức thu tiền điện, mở rộng nhiều kênh giao dịch khách hàng, chăm sóc khách hàng qua App thiết bị thông minh, ký hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử.

Nhân viên PC Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện trên App thiết bị thông minh

Đồng thời, Công ty đã tăng cường hợp tác với các ngân hàng và t chức trung gian thanh toán để đa dạng kênh thanh toán trực tuyến như: Trích nợ tự động, Internet Banking/Mobile Banking, Ví điện tử, các kênh điện tử của Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Website/App/Zalo. Thay vì đến phòng giao dịch như trước đây, mọi yêu cầu của khách hàng được thực hiện mọi lúc mọi nơi chỉ với chiếc Smartphone có kết nối mạng internet. Nhờ đó, khách hàng sử dụng điện dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điện trực tuyến.

Tính đến hết tháng 09/2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 300.889 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 68,13%. 15.358/15.566 khách hàng yêu cầu dịch vụ điện được thực hiện theo phương thức điện tử (đạt tỷ lệ thực hiện 99%). Cập nhật 1.712 địa chỉ Email (đạt 147% kế hoạch giao 7 tháng năm 2022).

Cùng với đó, công tác lắp đặt công tơ điện tử đo xa được lãnh đạo Công ty chỉ đạo triển khai đồng bộ đến các Điện lực trực thuộc. Việc triện khai đã giúp tiết kiệm được nhân lực, đảm bảo tính chính xác trong việc ghi và nhập chỉ số công tơ, vừa giúp khách hàng dễ giám sát. Từ đó, khách hàng có thể ước tính sản lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt, dễ dàng tính toán, quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện. Dựa trên dữ liệu cung cấp, công cụ sẽ tự động ước tính số lượng điện tiêu thụ của mỗi thiết bị điện theo từng tháng. Công tơ điện tử cũng chỉ ra thiết bị tiêu thụ nhiều điện nhất trong mỗi gia đình trong tháng, giúp mọi người có thể điều chỉnh thói quen sử dụng điện sao cho hiệu quả, tiết kiệm...

Công nhân Điện lực Hà Tĩnh áp dụng phần mềm D-Office trong công tác triển khai hệ thống văn phòng điện tử

Trong công tác văn phòng có thể nói PC Hà Tĩnh là một trong những đơn vị tiên phong triển khai ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử. Cụ thể, từ năm 2013 Công ty đã thực hiện ứng dụng trên hệ thống văn phòng điện tử nhằm khai thác tối đa tiện ích và mang lại hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số. Trải qua gần 10 năm với các phiên bản văn phòng điện tử Eoffice 1.0 đến Eoffice 3.0, tới thời điểm hiện tại Công ty đã kiện toàn văn phòng số với phiên bản Digital Office (D-Office). Phần mềm này đã tích hợp đầy đủ các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý, văn phòng số quản lý văn bản đi, văn bản đến, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp, khởi tạo, quản lý và lưu trữ văn bản tài liệu, báo cáo. Các thao tác ký số, đóng dấu văn bản đi văn bản đến, ký số các hồ sơ dự thầu, thẩm định thầu và nhiều loại văn bản khác, hoàn toàn bằng công nghệ điện tử được thực hiện trên phần mềm đã rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả công việc.

Song song, công tác quản lý kỹ thuật tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã và đang được áp dụng các giải pháp quản lý vận hành nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa sự cố như: Phát quang hành lang tuyến, tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, tiến hành vệ sinh cách điện hotline, sửa chữa điện hotlline....

Cụ thể, nhằm kịp thời xử lý các hiện tượng bất thường xảy ra trên đường dây cũng như trong trạm biến áp, Công ty đã ứng dụng rộng rãi việc đưa thiết bị điều khiển Flycam, camera nhiệt ứng dụng kiểm tra hiện trường đã phát hiện được nhiều điểm có nguy cơ mất an toàn trên đường dây, từ đó sớm có kế hoạch xử lý.

Với công tác quản lý, vận hành lưới điện 110kV, công cuộc chuyển đổi số cũng đã và đang được lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh sát sao chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo đúng kế hoạch. Các phần mềm quản lý kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, lưu trữ dữ liệu trong công tác quản lý vận hành được đưa vào áp dụng tại tất cả lưới điện 110kV trên địa bàn, vì thế cơ sở dữ liệu được đồng bộ về hệ thống thiết bị nguồn lưới điện cho phần mềm PMIS. Do đó, các thông tin của thiết bị như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly, máy biến dòng điện, máy biến điện áp đến các thiết bị phụ trợ như rơ le, đồng hồ đo đếm… đều được cập nhật thông tin, lịch sử vận hành trong phần mềm PMIS và lưu trữ theo từng vị trí, ngăn lộ đường dây, đơn vị cụ thể.

Công nhân PC Hà Tĩnh vệ sinh cách điện hotline

Từ đó, nhân viên kỹ thuật vận hành có thể tra cứu hay khai thác thông tin thiết bị nhanh chóng, chính xác và dễ dàng hơn. Từ đó, kịp thời điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm và có biện pháp bảo dưỡng, xử lý, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Đến thời điểm hiện tại, Đội QLVH lưới điện cao thế Hà Tĩnh đã thực hiện CBM cấp độ một 1059 thiết bị của 9/9 TBA 110kV, đã thực hiện CBM cả 3 cấp độ cho 11/13 đường dây 110kV.

Có thể nói, công tác thực hiện chuyển đổi số tại PC Hà Tĩnh đã và đang bứt phá mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và nhiệm vụ được cấp trên giao. Thành quả trên đến từ việc lãnh đạo Công ty đã chủ động và sát sao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lộ trình chuyển đổi số theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Các sáng kiến được tạo điều kiện triển khai và áp dụng vào thực tiễn công việc đem lại hiệu quả cao, từ đó tăng năng suất lao động và tiết giảm được nhiều chi phí so với trước đây. Đồng thời tăng độ tin cậy, an toàn trong sản xuất và vận hành lưới điện.

Với những kết quả đã đạt được, Tập thể CBCNV Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã và đang bước từng bước vững chắc trên lộ trình trở thành doanh nghiệp số của EVNNPC và của tỉnh Hà Tĩnh./.

Tác giả: Quỳnh Trâm
Tin liên quan