PC Đồng Nai: Sẵn sàng cho trạm biến áp không người trực

Tất cả các trạm biến áp 110kV trên địa bàn Đồng Nai đều được lắp đặt hệ thống Scada, camera giám sát an ninh và phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng cho việc triển khai trạm biến áp tự động, không cần người trực trong tương lai.

Điện lực Đồng Nai: Sẵn sàng cho trạm biến áp không người trực

Ông Nguyễn Đình Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án lưới điện Đồng Nai,

 cho biết tất cả các trạm biến áp 110Kv trên địa bàn đều được trang bị những thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn và quy mô trạm không người trực.

Tiến tới trạm biến áp không người trực

Mới đây, Công ty Điện lực Đồng Nai đã tổ chức đóng điện, đưa vào vận hành Trạm biến áp 110kV Định Quán 2, nhằm cung ứng điện tốt và ổn định hơn cho người dân H.Định Quán cùng các doanh nghiệp trong KCN Định Quán, giảm tổn thất, ngăn ngừa sự cố và nâng cao độ tin cậy lưới điện.

Trạm gồm 1 máy biến áp 110kV với công suất 40MVA được xây trên khuôn viên rộng 6.432 m2, được trang bị hệ thống SCADA theo tiêu chuẩn IEC 61850, hệ thống camera giám sát an ninh và phòng cháy chữa cháy (với các thiết bị ghi hình, kết nối, giám sát và điều khiển từ Trung tâm Điều khiển xa tại phòng Điều độ Công ty.

Ông Nguyễn Đình Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án lưới điện Đồng Nai, cho biết trạm được trang bị những thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn và quy mô trạm không người trực, nhằm sẵn sàng cho việc triển khai trạm tự động, điều khiển từ xa sau này.

Áp dụng công nghệ hiện đại từ sớm

Scada (viết tắt của cụm từ Supervisory Control And Data Acquisition), là một hệ thống hiện đại được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, thương mại vì tính hiệu quả, lợi ích nó mang lại, giúp tiết kiệm nhân công và chi phí và tăng năng suất hiệu quả trong công tác quản lý vận hành. Công ty Điện lực Đồng Nai triển khai ứng dụng này từ sớm để quản lý vận hành lưới điện.

Cụ thể, từ năm 2004, được sự hỗ trợ của Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Đồng Nai đã triển khai ứng dụng Scada tại 4 trạm biến áp 110kV có vị trí quang trọng, gồm trạm Tân Mai (cấp điện khu vực trụ sở Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành), trạm Đồng Nai (cấp điện KCN Biên Hòa 1), trạm Tân Hòa (cấp điện Nhà máy nước Thiện Tân) và trạm Biên Hòa (cấp điện Nhà máy nước Biên Hòa bơm nước thô về Nhà máy nước Thủ Đức - TP.HCM).

Sau đó Công ty Điện lực Đồng Nai đầu tư thêm hệ thống SCADA tại trạm An Bình (cấp điện cho KCN Biên Hòa 2). Từ 5 trạm biến áp 110kV thí điểm ban đầu, đến nay toàn bộ 28 trạm biến áp 110kV trên địa bàn Đồng Nai đã nhân trang bị hệ thống SCADA, ngoài ra còn tiến tới áp dụng cho toàn bộ các thiết bị trên lưới điện 22kV để tăng cường năng lực giám sát, điều khiển lưới điện 22kV từ xa.

Theo Công ty Điện lực Đồng Nai, việc triển khai hệ thống Scada đã giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công, nếu như trước đây tại 28 trạm biến áp 110kV phải cần khoảng 300 nhân viên luân phiên trực vận hành, thì giờ đây số lượng giảm còn 50%. Còn nói về lợi ích không thấy được, đó làm giảm rủi ro cho nhân viên trực tại các trạm, giảm thiểu thấp nhất thời gian mất điện của người dân, nâng cao năng suất lao động… thì không thể nào cân đong đo đếm được bằng tiền được.

Có được kết quả này là do lãnh đạo Công ty Điện lực Đồng Nai rất quan tâm đến công tác bảo vệ, vận hành lưới điện, nhằm phục vụ một cách tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã quyết liệt đầu tư ứng dụng này. Về phía đội ngũ kỹ sư, công nhân, họ đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, ngày càng hoàn thiện, nắm vững và làm chủ khoa học kỹ thuật cao. Việc này không những giúp ích cho Công ty Điện lực Đồng Nai mà còn góp phần hỗ trợ, đóng góp to lớn cho Tổng công ty. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà các kỹ sư có được, rút ra trong một quá trình dài vận hành, nhờ đó mà Tổng công ty có thêm tư liệu phổ biến rộng rãi cho toàn ngành, giúp các đơn vị khác học hỏi, nắm vững để vận hành ứng dụng Scada một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả cao.

Nguồn:Theo Thanh Niên Sao chép liên kết
Tin liên quan