Nỗ lực giảm tổn thất điện năng xuống dưới 6%

Trong giai đoạn 2022 -2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng (TTĐN) toàn hệ thống điện xuống dưới 6%. Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn đã kiến nghị loạt giải pháp nhằm thực hiện các chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Kiến nghị loạt giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 1.

Các giải pháp giảm tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối đang được EVN và các đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 đã được EVN trình Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch nêu rõ, trong giai đoạn này đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6%.

Giai đoạn 2010-2021, cả nước tiết kiệm trên 37 tỷ kWh điện

Trong giai đoạn 2010-2021, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện hiệu quả.

Trong 11 năm (giai đoạn 2010-2021), cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện (tạm tính giá điện bình quân bằng 1.800 đ/kWh). Đáng chú ý, kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm.

Kiến nghị loạt giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 2.

Kết quả tiết kiệm điện trong giai đoạn 2010-2021- Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), thực tế này khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Tuy nhiên, so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao (bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần). 

Để có được những kết quả này, EVN đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, đồng thời, chủ động ban hành các chỉ đạo điều hành kịp thời, tổ chức triển khai thực hiện tại các Tổng công ty điện lực/công ty điện lực trực thuộc, đạt kết quả cao.

Cụ thể, các chương trình tiết kiệm điện trọng tâm đã triển khai sâu rộng trong giai đoạn này, bao gồm: Các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện giảm TTĐN; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR); đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, chương trình giờ trái đất; chương trình gia đình tiết kiệm điện...

Kiến nghị loạt giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 3.

Cùng với các giải pháp trong quản lý vận hành, các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng được EVN chú trọng - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Giai đoạn 2022–2025, nỗ lực giảm TTĐN xuống dưới 6% 

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, đơn vị luôn đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xã hội. Trong giai đoạn 2022-2025, EVN sẽ tiếp tục thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng.

Đồng thời Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương. 

Theo đó, kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 nhấn mạnh vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện để người dân, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện nhận thấy rõ trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

"Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tham gia và thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm (theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị)", Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN nhấn mạnh.

Đặc biệt, kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn này cần bám sát mục tiêu giảm TTĐN trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6%; phấn đấu giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

Để thực hiện các kế hoạch và mục tiêu này, theo EVN cần thực hiện một cách đồng bộ các chương trình và giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua các Hội thảo/hội nghị chuyên đề. Các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.

Bên cạnh đó, duy trì, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải điện (DR) và chăm sóc khách hàng miễn phí đối với trên 10.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.

Thực hiện các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ, dự kiến công suất đỉnh điều chỉnh phụ tải điện các năm trong giai đoạn 2022 -2025 đạt từ 1.500MW trở lên.

Kiến nghị loạt giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện 

Từ thực tế cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình tiết kiệm điện trong thời gian qua, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nói riêng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 20/CT-TTg. 

Kiến nghị Bộ Công Thương sớm rà soát kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010) theo hướng chuyển từ cơ chế "tự nguyện" sang "bắt buộc"; bổ sung hoạt động mô hình kinh doanh ESCO; quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng…

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành: cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm và thiết bị có hiệu suất cao; cơ chế tài chính cho EVN thực hiện các nội dung, chương trình về thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện và tuyên truyền tiết kiệm điện.

Nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, ưu tiên tự dùng để phát huy tiềm năng thiên nhiên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Nguồn:Theo chinhphu.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan