Khô hạn nghiêm trọng, Thủy điện Hòa Bình gánh trọn nhiệm vụ điều áp, điều tần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia
Trong điều kiện các nhà máy thủy điện khác hạn chế vận hành do khô hạn nghiêm trọng, “gánh nặng" về điều tần và điều áp dồn cả lên Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thủy văn bất lợi nên lưu lượng nước về hồ rất kém. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, các nhà máy bậc thang trên của sông Đà như Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La nhiều thời điểm đã về dưới mực nước chết, không thể phát điện. Ngay cả hồ thủy điện Tuyên Quang trên lưu vực sông Hồng vốn được đánh giá là nước khá dồi dào, hàng năm nhà máy luôn "cán đích" sớm về sản lượng điện thì năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Trong điều kiện các nhà máy thủy điện khác hạn chế vận hành do khô hạn nghiêm trọng, “gánh nặng" về điều tần và điều áp dồn cả lên Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Hồ Thủy điện Hòa Bình - ảnh chụp ngày 13/6/2023
Với 8 tổ máy (mỗi tổ có công suất 240MW), trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng góp 9,832 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện phát lên lưới của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mới là khoảng 3,5 tỷ kWh, chỉ đạt khoảng 37% kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân chính là do tình hình khô hạn, lưu lượng nước về hồ rất thấp. Ngay cả những ngày gần đây, dù ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ cũng rất thấp - chỉ đạt khoảng 200m3/s.
Ông Trần Văn Hòa – Phó Giám đốc công ty cho biết thêm, Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình đóng vai trò quan trọng trong công tác điều tần, điều áp, trách nhiệm này càng nặng nề hơn khi Nhà máy Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu đã dừng phát điện do không có nước. Đặc biệt, nếu 1 tổ máy nhiệt điện nào trong hệ thống điện bị sự cố, hoặc nguồn năng lượng tái tạo đang phát cao nhưng gặp cơn mưa hay có đám mây ngang qua khiến công suất sụt giảm đột ngột, thì lúc đó Thủy điện Hòa Bình phải kịp thời tăng công suất để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Ông Đỗ Quang Bính – Trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho hay, đặc điểm thuận lợi của thủy điện là có thể khởi động lại nhanh, gần như ngay tức thì (chỉ trong vòng từ 1-3 phút). Vì vậy, các tổ máy của Thủy điện Hòa Bình luôn vận hành ở chế độ linh hoạt, luôn trong trạng thái sẵn sàng để đáp ứng công tác vận hành thay đổi liên tục. “Trong điều kiện bình thường, trung bình mỗi ngày A0 chỉ gọi xuống nhà máy khoảng 10 lần, nhưng cao điểm mùa nắng nóng năm nay có ngày trên 30 cuộc gọi, khi yêu cầu phát tối đa, khi yêu cầu phát tối thiểu để đảm bảm an toàn hệ thống cũng như thực hiện tích trữ nước”, ông Đỗ Quang Bính chia sẻ.
Đối với Thuỷ điện Hoà Bình, khó khăn lớn nhất trong vận hành hiện nay là các tổ máy phải điều chỉnh liên tục, có khi đang công suất cực đại 240MW nhưng lúc sau có thể về 0, rồi lại tiếp tục khởi động. Một ngày có thể khởi động, lên công suất, xuống công suất rất nhiều lần... Việc điều chỉnh công suất phụ thuộc vào hệ thống điện, đáp ứng theo yêu cầu của hệ thống điện. Tuy nhiên, việc thay đổi công suất tăng, giảm, tổ máy lúc dừng, lúc khởi động nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ phát sinh những nguy cơ sự cố, hư hỏng cũng như ảnh hưởng tuổi thọ của thiết bị. Do đó, CBCNV của Công ty Thuỷ điện Hoà Bình luôn luôn túc trực, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo an toàn cho các tổ máy.
Cũng theo ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, hiện nay hồ Hòa Bình đang ở mức nước xấp xỉ 102m, cao hơn mực nước chết 22m. Nếu khai thác công suất tối đa, sau khoảng 12-13 ngày nữa, Thủy điện Hòa Bình sẽ về mức nước chết (80m), lúc đó việc thực hiện nhiệm vụ điều tần cho hệ thống điện quốc gia sẽ không thể thực hiện được nữa.