Đi tìm nguồn lực cho phát triển năng lượng xanh

Những cam kết của Việt Nam trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm cao của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Việc triển khai thực hiện kịp thời cam kết tại COP26 sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước; là cơ hội để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng xanh, cacbon thấp; chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo chuyên gia cao cấp năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam hiện vẫn là một nước đang phát triển nên nguồn lực còn hạn chế, chính vì vậy chúng ta phải tận dụng, tranh thủ tốt nhất cơ hội hiện có từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để có thể thực hiện chương trình quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt này.

Đi tìm nguồn lực cho phát triển năng lượng xanh - Ảnh 1.

Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng xanh, cacbon thấp; chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

"Quỹ đầu tư hỗ trợ phát triển năng lượng sạch yêu cầu về tài chính và đầu tư là rất lớn. Để phát triển năng lượng tái tạo cần số tiền vài chục tỷ USD hàng năm, cho nên chỉ một vài quỹ có số vốn 1 đến 2 tỷ USD có lẽ là không đủ. Chính vì vậy cần phải huy động rất nhiều nguồn lực từ tư nhân và quốc tế. Để huy động được thì chúng ta cần phải có cơ chế và mức độ đảm bảo để chia sẻ được rủi ro với họ", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, muốn thu hút được các nguồn lực quốc tế vào đầu tư thì pháp luật hiện hành về đối tác công tư, hợp đồng đầu tư quốc tế cần phải công bằng giữa các công ty trong nước và các công ty tài chính quốc tế. Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch tiểu ban tăng trưởng Xanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham kiến nghị phải cho phép các công ty tài chính quốc tế tìm được điểm cân bằng rủi ro, khi đó họ mới cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Ngoài ra cần phải có một hệ thống đánh giá minh bạch và nhanh chóng các điều kiện về đất đai, cùng với đó giấy phép phải rõ dàng trước khi các nhà đầu tư quốc tế tiến hành đầu tư xây dựng các nhà máy năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, nhà máy về điện gió…

Hiện nay, mặc dù đã có sự tăng trưởng rất tích cực nhưng tín dụng cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo còn hết sức khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2% trong cơ cấu tín dụng của nền kinh tế. Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, để tạo cơ sở thực hiện được các cơ chế ưu đãi, tăng nguồn lực cho phát triển trong lĩnh vực này thì chúng ta cần phải có quy hoạch phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo một cách ổn định và bền vững. 

Bà Tùng nêu lên một số giải pháp trong thời gian tới: "Giải pháp thứ nhất, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì phải có những chính sách mang tính đột phá để khuyến khích phát triển bền vững, thực hiện những cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng như chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thứ hai,cần phải cần nghiên cứu đến việc thành lập quỹ năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện nay, một số tổ chức tư nhân trên thế giới và thậm chí tại Việt Nam cũng đã có những định hướng về đầu tư hoặc dành những nguồn lực để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thông qua quỹ này sẽ mở ra thêm một hướng mới để tạo nguồn lực đầu tư cho năng lượng tái tạo trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng đang bị hạn chế bởi quy định về bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Thứ ba, Quy định về trái phiếu xanh thì cũng đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thời gian tới, việc phát hành trái phiếu xanh sẽ là một biện pháp cần phải tích cực thực hiện. Thứ tư, bài học kinh nghiệm Việt Nam cần áp dụng là cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ về thuế, phí, các chính sách ưu đãi về giá cho các nhà đầu tư".

Nguồn:Theo chinhphu.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan