Công ty Thủy điện Hòa Bình: Tiên phong số hóa dữ liệu

Bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số (CĐS) ở Công ty Thủy điện Hòa Bình là công tác số hóa dữ liệu, nhờ đó, việc cung cấp thông tin, ban hành các quyết định được nhanh chóng, chính xác, kịp thời, giúp tăng năng suất lao động của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong công ty. 

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt mốc sản lượng 250 tỷ kWh vào tháng 5/2021.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình - khi trao đổi với Phóng viên (PV).

PV: Thưa ông, nhằm thực hiện mục tiêu CĐS của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công ty đã và đang có những bước đi như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Minh: Ngay khi có văn bản chỉ đạo của EVN, Ban lãnh đạo công ty đã tổ chức họp để đưa ra kế hoạch triển khai. Chúng tôi đã phân tích rõ những khó khăn cũng như những thuận lợi của việc CĐS tại công ty, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng để giải quyết khó khăn, phát huy những thuận lợi sẵn có. Xác định con người đóng vai trò trung tâm và quyết định thành công của công tác CĐS, công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các đơn vị, CBCNV về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo, kỹ năng về chuyển đổi số cho CBCNV và người lao động toàn công ty, bao gồm hướng dẫn sử dụng và triển khai hồ sơ công việc, các chế độ báo cáo điện tử; chuyển đổi quy trình, nghiệp vụ. Triển khai các kênh hỗ trợ trực tuyến để phổ biến, hỗ trợ người dùng, CBCNV trong công tác ứng dụng CĐS, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS của tập đoàn.

Việc thường xuyên tổ chức đào tạo từ cơ bản đến nâng cao nghiệp vụ cho CBCNV nhằm đảm bảo nâng cao kỹ năng trong môi trường số, nhờ đó người lao động có đủ năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ. Nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tập thể trong và ngoài đơn vị tham gia vào công tác nghiên cứu, sáng tạo và thử nghiệm các công nghệ số trong mọi hoạt động, lĩnh vực của công ty đã được ban hành và triển khai.

Song song với đó, công ty đã tiến hành đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), các thiết bị công nghệ hiện đại cần thiết để nâng cao chất lượng các hoạt động tại đơn vị gắn liền với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm: Quản trị, sản xuất, tài chính, viễn thông – CNTT…

PV: Vậy sau một thời gian thực hiện CĐS, kinh nghiệm mà công ty rút ra là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Minh: Trước hết, chúng tôi đã từng bước hoàn thiện hạ tầng CNTT và viễn thông, tự động hóa; nâng cao năng lực của các hệ thống công nghệ; đề xuất, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giám sát thiết bị trong dây chuyền sản xuất; trong đó ưu tiên các giải pháp có giám sát, điều khiển theo thời gian thực. Các dự án đầu tư khi xây dựng chủ trương phải có nội dung nghiên cứu phân tích, bổ sung ứng dụng tích hợp công nghệ số. Từng bước thực hiện kết nối bổ sung thu thập tín hiệu, giám sát, điều khiển đối với các hệ thống, thiết bị được kết nối giám sát khi thực hiện kế hoạch sửa chữa đại tu. Xây dựng và vận hành các hệ thống, giám sát mạng để thực hiện thu thập, đánh giá, báo cáo và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Công ty cũng đẩy mạnh, ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành nhằm tiết kiệm, giảm chi phí,… Cụ thể, tăng cường sử dụng, khai thác triệt để tiện ích, thông tin từ các phần mềm dùng chung của tập đoàn như: D-office, EVNPortal, HRMS, PMIS… để phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành, xử lý công việc, báo cáo.

Giải pháp nền móng của CĐS đó là thực hiện số hóa quy trình nghiệp vụ. Đây cũng là giải pháp khó và cần có sự tham gia của tất cả các đơn vị trong công ty. Chính vì vậy, công ty đã chỉ đạo các phòng, phân xưởng trực thuộc thực hiện việc rà soát các nghiệp vụ của đơn vị mình, gắn với các nhiệm vụ về kế hoạch CĐS, công ty đã ban hành, chuẩn hóa lại để đáp ứng yêu cầu, quy định của pháp luật, tạo nền tảng thực hiện nghiệp vụ trên môi trường kỹ thuật số.

PV: Ông có thể cho biết, việc số hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Minh: Bước đi đầu tiên về chuyển đổi số đó chính là số hóa, chúng tôi đã thực hiện bước đi này từ những năm trước. Nhờ số hóa dữ liệu nên việc cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác hỗ trợ cho công ty ra được các quyết định kịp thời, chính xác giúp tăng năng suất lao động trong công ty.

Năm 2019, công ty đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống điều khiển, bảo vệ tín hiệu và đo lường 8 tổ máy Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây là một hệ thống điều khiển mới, hiện đại với công nghệ tự động hóa rất cao. Việc chuyển đổi từ các hệ thống cũ thủ công sang hệ thống mới tự động là một trong những hoạt động cđs công ty đã thực hiện thành công. Hệ thống đã hỗ trợ công tác vận hành sản xuất hiệu quả; cung cấp các thông tin thiết bị hoạt động chính xác. Từ các thông tin này đã giúp xử lý các sự cố kịp thời, vì vậy các sự cố năm sau giảm so với năm trước.

Với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT, công nghệ số vào công tác sản xuất đã giúp công ty tiết kiệm thời gian, cắt giảm những chi phí không cần thiết, nâng cao năng suất lao động hiệu quả. Điển hình là các ứng dụng PMIS cung cấp thông tin về thông số vận hành, tình hình khiếm khuyết, sự cố của thiết bị công trình trên môi trường mạng. Qua đó, giảm thời gian tổng hợp thông tin để hỗ trợ công tác điều phối trong vận hành, xử lý sự cố nhanh chóng, hiệu quả; xóa bỏ được giới hạn về không gian và vị trí địa lý.

Ngoài ra còn có các ứng dụng trong công tác quản trị, điển hình là E-Office đã được chuyển đổi sang Doffice do EVN triển khai với việc tích hợp các công nghệ, nền tảng mới, tích hợp chữ ký số cho cán bộ quản lý, kết nối trục liên thông đến tập đoàn và các đơn vị thành viên. Hiện, công ty đã áp dụng 100% các văn bản đi và đến (trừ văn bản mật) triển khai trên hệ thống. Đồng thời thực hiện việc lập hồ sơ công việc điện tử, lưu trữ dữ liệu trên môi trường mạng. Điều này đã tiết giảm được rất nhiều thời gian trong việc lưu chuyển các văn bản, tài liệu giữa các đơn vị trong công ty cũng như việc gửi văn bản, tài liệu tới EVN và các đơn vị khác liên quan nhanh chóng, kịp thời.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đã giúp cho Ban lãnh đạo công ty, các đơn vị và CBCNV có thể xử lý, giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi, góp phần tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nhiều chi phí.

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục nỗ lực hơn nữa để triển khai có hiệu quả các công tác liên quan đến CĐS. Công ty sẽ phấn đấu trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh đi đầu trong ứng dụng công nghệ, là một thành viên tích cực trong hệ sinh thái số của EVN.

Nguồn:Theo Báo Công Thương Sao chép liên kết
Tin liên quan