Vì sao điều trị Covid tốn tiền tỷ?

Bệnh nhân Covid nguy kịch phải can thiệp ECMO, nằm viện dài ngày, phối hợp nhiều biện pháp điều trị, thuốc đắt tiền..., nên viện phí thường từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân nặng, Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, một bệnh nhân nằm điều trị hồi sức sẽ tốn kém vì các danh mục kỹ thuật đều cao giá, nhất là khi phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy màng ngoài cơ thể).

Ví dụ, để thiết lập ECMO phải đặt màng lọc. Tùy từng loại, màng lọc sẽ có những mức giá khác nhau, dao động 80-150 triệu đồng. "Đó là chi phí lắp đặt ban đầu, từ lúc thiết lập đến lúc kết thúc còn rất nhiều khoản phát sinh trong quá trình điều trị, vì bệnh nhân dùng đến kỹ thuật này đều đã rất nguy kịch", bác sĩ Kháng nói.

Màng lọc phải thay khi có hiện tượng tắc màng, thường một màng có tuổi thọ khoảng 15 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân ECMO đòi hỏi đội ngũ nhân lực phục vụ lớn, phải có ba ê kíp theo dõi một ngày với gói theo dõi chăm sóc mỗi 8 giờ, mỗi gói khoảng 1,2 triệu đồng, bao gồm các khoản chi phí như bông băng, thuốc sát trùng, tiền công y bác sĩ... Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng các chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm và xét nghiệm thường xuyên để đánh giá tình trạng, có chỉ định điều trị phù hợp.

Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết chi phí liên quan ECMO - hình thức hồi sức dành cho các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, chỉ là một phần trong điều trị. Bệnh nhân thường phải kết hợp thở máy, lọc máu, sử dụng rất nhiều thuốc kháng sinh đắt tiền để chống nhiễm trùng.

 

Bác sĩ thực hiện can thiệp ECMO trên bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần.

Bác sĩ can thiệp ECMO cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần

Bệnh viện 175 đến nay thực hiện 12 ca ECMO trên tổng số gần 2.000 ca nhập viện. Trong số 5 ca đã xuất viện, chỉ một bệnh nhân viện phí khoảng 900 triệu đồng, còn lại đều trên một tỷ. Chẳng hạn, bệnh nhân Thu Trinh tốn viện phí khoảng 1,2 tỷ đồng sau 40 ngày nằm viện. Đặc biệt, bệnh nhân Thanh Thảo vừa xuất viện chiều 20/10 chi phí cao nhất với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng cho 86 ngày điều trị, trong đó 61 ngày can thiệp ECMO.

Chị Thảo phát hiện mắc Covid-19 khi mang thai lần hai 37 tuần, diễn tiến nặng sau khi sinh mổ bé trai, được chuyển đến can thiệp ECMO cấp cứu ngày 27/7. Đây là trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên can thiệp ECMO tại viện. Sản phụ rối loạn đông máu nặng, đối diện với nhiều nguy cơ trong quá trình điều trị. Sau khi tình trạng cải thiện tốt, cai máy ECMO lần đầu sau 15 ngày vào hôm 11/8 thì vài giờ sau, chị suy hô hấp nặng phải đặt máy trở lại thêm 46 ngày.

Bệnh nhân phải thay màng lọc 4 lần với hơn 420 triệu đồng. Trong 61 ngày dùng máy, ước tính số tiền cho gói theo dõi chăm sóc hàng ngày khoảng 200 triệu đồng. Đây là ca đầu tiên thực hiện, khi ấy bệnh viện được biên chế dòng máy rất hiện đại nên từ dịch vụ kỹ thuật, màng lọc, vật tư tiêu hao đi kèm đều đắt tiền. Quá trình điều trị, bệnh nhân đông đặc phổi nghiêm trọng, tắc mạch phổi, suy đa tạng, phải sử dụng thêm máy thở, lọc máu liên tục rất tốn kém, với tổng số tiền thủ thuật hơn 330 triệu, hơn 50 triệu tiền dịch lọc thận... Tổng cộng là gần 90 triệu đồng xét nghiệm, hơn 8 triệu đồng chẩn đoán hình ảnh.

Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm trùng rất nặng (nhiễm cùng lúc 4 loại vi khuẩn đa kháng) và nhiễm nấm. Bệnh viện hội chẩn với các chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu, những người giàu kinh nghiệm về dùng kháng sinh của TP HCM để dùng những thuốc kháng sinh, kháng nấm thế hệ mới, có loại đặt từ nước ngoài về. Tổng số tiền thuốc, bao gồm cả truyền máu tốn hơn 1,25 tỷ đồng, trong đó có những lọ kháng sinh rất đắt tiền. Chẳng hạn, bệnh nhân sử dụng 23 lọ thuốc có giá hơn 6,5 triệu đồng mỗi lọ, 179 lọ có giá gần 500.000 đồng mỗi lọ.

Năm ngoái, "bệnh nhân 91"- phi công người Anh từng ghi nhận mức viện phí kỷ lục với 3,5 tỷ đồng trong 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, phải sử dụng ECMO, thở máy, lọc máu liên tục cùng nhiều biện pháp hồi sức, thuốc đắt tiền... Hiện nay, chi phí điều trị của những bệnh nhân nguy kịch, phải can thiệp ECMO tại các bệnh viện tuyến cuối như Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng ghi nhận mức viện phí tiền tỷ.

Thượng tá Nguyễn Hùng Cường (Phó phòng Tài chính, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, theo quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị Covid-19 sẽ được ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ những dịch vụ kỹ thuật, thuốc liên quan Covid-19. Riêng những khoản điều trị các bệnh nền đi kèm, không liên quan Covid-19, người sử dụng bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán như bình thường theo định mức chi trả của khung giá bảo hiểm, còn lại bệnh nhân phải đóng. Ngoài ra, những khoản khác như tã, sữa, đồ ăn thêm... thì người nhà phải đóng tiền hoặc mua gửi vào.

Hiện nay, nhà nước thanh toán tiền ăn cho bệnh nhân Covid-19 là 80.000 đồng một ngày, Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ thêm 40.000 đồng. Trên thực tế các chi phí đảm bảo hậu cần kỹ thuật, vật tư tiêu hao đảm bảo cho hoạt động phòng chống dịch còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng...

Theo thượng tá Cường, việc thanh quyết toán cho những bệnh nhân Covid-19 mà đặc biệt là những người phải can thiệp những kỹ thuật cao và hàng loạt chi phí bảo đảm hậu cần kỹ thuật, đang là một áp lực lớn với các nhà quản lý.

Bệnh nhân được phẫu thuật ngay trong lúc đang can thiệp ECMO tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần.

Bệnh nhân được phẫu thuật ngay trong lúc đang can thiệp ECMO tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần

Thiếu tướng, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) cho biết tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực, vật lực, những gì tốt nhất để giành giật sự sống cho người bệnh là tôn chỉ tối thượng của bệnh viện. Viện phí chỉ là mức giá thống kê theo quy định trên thực tế để điều trị những bệnh nhân nguy kịch. Điều không thể tính toán hết được là sự dốc sức ngày đêm của các y bác sĩ. Mỗi ca can thiệp ECMO đều đòi hỏi phải huy động lực lượng hùng hậu hàng chục y bác sĩ vào cuộc, túc trực 24/24. Chưa kể, đó còn là những chi phí liên quan hậu cần kỹ thuật, xử lý nước, rác thải, vật tư tiêu hao... bệnh viện tự trang trải.

"Điều trị tốn kém nhưng sẽ chẳng thể so sánh được với những giá trị khi bệnh nhân chiến thắng tử thần, trở về với cuộc sống bình thường", thiếu tướng Sơn nói và cho rằng "bệnh nhân muôn đời là người thầy vĩ đại".

Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho rằng những bài học trong công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19 thời gian qua là vô giá với mọi người trên mọi lĩnh vực. Người bệnh hồi phục là tấm gương, bài học về nghị lực vượt qua khó khăn bệnh tật. Thành quả từ những ca bệnh khó cũng giúp các y bác sĩ thêm nhiều kinh nghiệm về chuyên môn, thêm sức mạnh, động lực để tiếp tục công việc điều trị những bệnh nhân nặng khác, kiên quyết không buông xuôi, không bỏ cuộc dù chỉ còn một tia hy vọng.

Chiều 22/10, báo cáo trước Quốc hội về công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay việc thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 (do ngân sách nhà nước chi trả) và điều trị bệnh nền, các bệnh khác (do quỹ bảo hiểm chi trả). Nhiều trường hợp bệnh nhân đã tử vong hoặc không liên hệ được người nhà, nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả. Do vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.

Thiếu tướng Sơn cho rằng chắc chắn thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những hướng dẫn về quyết toán tài chính sao cho chính xác và phù hợp, đảm bảo quyền lợi, động viên người lao động và sự phục hồi của các bệnh viện, đặc biệt là với các bệnh viện tự chủ tài chính.

Tác giả: Lê Phương
Nguồn:vnexpress Sao chép liên kết
Tin liên quan